- Home
- Doanh nhân
- Doanh nhân Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trại Thiên Nông Bình Phước: Đi đầu trong số hóa tới từng cây ăn trái
Doanh nhân Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trại Thiên Nông Bình Phước: Đi đầu trong số hóa tới từng cây ăn trái
Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen Điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023 cho doanh nhân Đặng Dương Minh Hoàng |
Nông dân công nghệ số
Để có thể xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà nông đã từng bước áp dụng công nghệ số vào quản lý, giám sát các loại cây ăn quả. Thực tế cho thấy, đây là hướng đi mang lại hiệu quả cao, góp phần tạo thương hiệu uy tín cho trái cây chủ lực của Việt Nam.
Là kỹ sư ngành tự động hóa, được đào tạo và làm việc vài năm tại Pháp, Đặng Dương Minh Hoàng từng được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước “săn đón” với mức lương mơ ước. Tuy nhiên, bỏ qua những lời mời chào hấp dẫn, anh trở về quê nhà Bình Phước, bắt tay làm nông nghiệp.
Hướng đi của Đặng Dương Minh Hoàng là nông nghiệp số ngay từ khi bắt đầu. Đến nay, Nông trại Thiên Nông đang áp dụng các công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp, như sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái, hệ thống camera giám sát toàn vườn, thiết bị không người lái xịt thuốc phòng và trị bệnh cho cây trồng, nhật ký điện tử AutoAgri truy xuất nguồn gốc thông qua tem nhãn/mã QR, thể hiện đầy đủ thông tin về sản phẩm.
Nông trại Thiên Nông tiên phong xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, “số hóa” trên từng cây trồng. Cụ thể, mỗi cây trồng có một nhật ký điện tử, qua đó, người tiêu dùng khi mua sản phẩm, thông qua mã QR, sẽ biết được ngày nào cây được tưới nước, bón phân; trái được thu hoạch thế nào và quá trình vận chuyển ra sao…
Anh nhận định như thế nào về hành trình chuyển đổi số trong nông nghiệp?
Khi nhắc đến chuyển đổi số, nhiều người cho rằng, đây là điều rất to tát, nhưng thật ra, hãy làm từ những điều gần gũi hằng ngày, như xác định độ ẩm, độ pH, hay đất này có phù hợp với cây trồng không… Chúng ta phải dùng công nghệ, thiết bị đo, từ đó có thể canh tác một cách hài hòa, thân thiện với thiên nhiên. Hành trình chuyển đổi số trong nông nghiệp đến từ những điều rất nhỏ.
Đâu là những quả ngọt mà nông nghiệp số mang lại cho Thiên Nông Bình Phước, thưa anh?
Nhờ số hóa, chúng tôi đã xuất khẩu bơ sang một số thị trường như Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia và sắp tới là Trung Quốc.
Khi sử dụng phần mềm nhật ký điện tử, các nhà nhập khẩu, Cục Hải quan Trung Quốc và một số đơn vị đánh giá rất cao, đồng thời khuyến nghị các hợp tác xã Việt Nam nên ứng dụng mô hình này để minh bạch hóa quá trình chăm sóc cây ăn trái.
Anh đánh giá thế nào về việc xây dựng cộng đồng nông nghiệp số?
Thực tế, mỗi người có một điểm mạnh. Cá nhân tôi có thể số hóa cho từng cây trồng, nhằm xây dựng hệ sinh thái đa dạng trong cộng đồng nông nghiệp. Chỉ hoạt động này đã đủ phức tạp. Do đó, việc xây dựng thêm nhiều hoạt động gắn với nông nghiệp số khác cần có nhiều người trẻ hơn cùng tham gia. Tôi tin rằng, với sự gắn bó, hợp tác, chia sẻ, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ góp phần đưa nền nông nghiệp Việt lên tầm thế giới.
“Lĩnh vực nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào nhân công, tính kỷ luật cũng như thời tiết… Vì vậy, ngay từ khi còn bé, tôi đã thấy rằng, cơ giới hóa, tự động hóa sẽ giúp người nông dân bớt phụ thuộc vào nhiều yếu tố và chủ động “cuộc chơi”, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp”, CEO Minh Hoàng chia sẻ.
Hiện tại, Nông trại Thiên Nông của Đặng Dương Minh Hoàng có tổng diện tích 50 ha, trong đó, 30 ha trồng cao su, 8 ha tiêu và 12 ha bơ. Thương hiệu bơ Ông Hoàng đạt chuẩn VietGAP, đứng tốp đầu sản phẩm trái cây sạch và vườn hồ tiêu được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cấp chứng nhận hữu cơ USDA uy tín hàng đầu thế giới…
Hoàng cho hay, tất cả cây trồng trong vườn đều có thể theo dõi từ xa, nhờ áp dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào cây trồng.
Chính từ việc áp dụng công nghệ hiện đại nhất trong lao động sản xuất, nên thương hiệu bơ Ông Hoàng đang có mặt tại các siêu thị nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia… Trong khi đó, sản phẩm hồ tiêu được sản xuất theo hướng hữu cơ và ký kết hợp đồng bao tiêu với Nedspice – tập đoàn gia vị hàng đầu của Hà Lan.
Xây dựng cộng đồng nông nghiệp số
Mô hình số hóa trong nông nghiệp của Hoàng gặt hái được nhiều thành công và được nhiều người quan tâm. “Muốn đi xa phải đi cùng nhau” là kim chỉ nam trên hành trình phát triển nông nghiệp của mình, anh quyết định thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước nhằm xây dựng cộng đồng nông nghiệp số.
“Số hóa trong nông nghiệp, sản xuất xanh sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, chi phí để mỗi lần làm chứng nhận các tiêu chuẩn, như VietGAP, Global GAP và phần mềm quản lý rất tốn kém. Để hài hòa được lợi ích trong chuỗi sản xuất, các hộ liên kết, Hợp tác xã ký kết với các hội viên về việc đầu tư, thu mua một cách khép kín. Chi phí đầu tư sẽ được tính ở một mức nhất định trên mỗi sản phẩm. Với cách làm này, các bên tham gia có thể cùng nhau đi xa hơn”, anh Hoàng chia sẻ.
Vừa qua, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước đón đoàn của Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào sang tham quan, học hỏi mô hình nông nghiệp số và hợp tác phát triển phần mềm LaoAgri để có nhiều điều kiện hỗ trợ nông dân Lào chuyển đổi số.
LaoAgri là phiên bản của AutoAgri – một nền tảng do các thành viên hợp tác xã, trong đó có chị Nguyễn Thị Thành Thực (Chủ tịch Công ty Bagico, tỉnh Bắc Giang) xây dựng. Hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước có 12 thành viên chính thức và đều được hướng dẫn sử dụng phần mềm AutoAgri.
Ngoài ra, phần mềm này cũng đã được triển khai số hóa cho hơn 1.400 cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Thông qua đó, Hợp tác xã đã và đang cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng nhật ký số trong sản xuất cho bà con nông dân, tối ưu hóa các nguồn lực, cam kết sản phẩm sạch và xanh cho thị trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
CEO Thiên Nông Bình Phước ví von, nếu chỉ dừng ở việc phát triển nông nghiệp tại Bình Phước, đôi khi chúng ta giống một “cô gái quê danh giá”, nhưng không có thương hiệu riêng. Nhưng nếu là người tiên phong về nông nghiệp số, Thiên Nông nói riêng và Hợp tác xã nói chung có thể trở thành “hoa hậu”, định vị được thương hiệu, được kết nối và phát triển nhiều hơn.
Ngoài ra, từ năm 2023, Nông trại Thiên Nông liên kết với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước để phát triển mô hình “game” hóa – nhận chăm sóc từng cây bơ nói riêng và các loại cây ăn trái nói chung, góp phần hoàn thiện mô hình kinh tế hợp tác xã thông minh mới và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước.
“Việc này nhằm tự động hóa quá trình canh tác, định danh và việc nhận chăm sóc cây bơ sẽ là một trong những bước tạo đà để đưa nông nghiệp trải nghiệm đến số đông người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng”, CEO Minh Hoàng cho hay.
Từng bước thay đổi nền nông nghiệp truyền thống
Theo anh Minh Hoàng, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị luôn là vấn đề cản trở đối với bước tiến của nền nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng xây dựng thị trường…, thì chuyển đổi số sẽ giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, minh bạch thông tin, kết nối cung – cầu…
Do đó, anh đã phối hợp với tỉnh Bình Phước thực hiện nhiều “chuyến xe tri thức” để chuyển giao công nghệ, đặc biệt là nhật ký điện tử cho nhiều thanh niên khởi nghiệp của tỉnh. Đồng thời, chia sẻ cảm hứng khởi nghiệp, lập nghiệp tại một số trường đại học như Trường đại học Bách khoa TP.HCM, Trường đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương), Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, Trường đại học Công thương TP.HCM…
Trong thời gian tới, Minh Hoàng cùng với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước lên kế hoạch kết hợp xây dựng dự án tận dụng các phế phẩm từ quả điều. Qua đó, quả điều được tái chế làm rượu vang; tận dụng làm phân bón cho cây, kích thích ra hoa, dưỡng cây, cũng như thuốc diệt cỏ sinh học.
Tuy nhiên, theo Minh Hoàng, hành động của một cá nhân, một tổ chức là chưa đủ trên hành trình thay đổi nền nông nghiệp truyền thống. Anh mong muốn có những chính sách hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là áp dụng nhật ký điện tử giúp chuyển đổi số trong nông nghiệp.
“Việc phổ cập sử dụng nhật ký điện tử đối với nông dân, giúp địa phương hệ thống hóa số liệu, xây dựng chuỗi kết nối giữa nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian để mang lại tính ổn định cho các sản phẩm của địa phương… là điều quan trọng nhất”, CEO Thiên Nông kỳ vọng.
Từ những thành tựu cũng như đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp số, năm 2022, Đặng Dương Minh Hoàng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc, đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen Điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023. Mới đây nhất, Đặng Dương Minh Hoàng góp mặt trong danh sách Mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh công bố.