1. Home
  2. Doanh nhân
  3. Doanh nhân Chao Chung Lee, Chủ tịch Tập đoàn Shing Mark: Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi
Phạm Nguyễn 7 tháng trước

Doanh nhân Chao Chung Lee, Chủ tịch Tập đoàn Shing Mark: Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi

Năm 2005, ông Chao Chung Lee thành lập nhà máy sản xuất nội thất xuất khẩu tại Đồng Nai. Sau gần 20 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, người đàn ông 76 tuổi đã coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Ảnh minh họa
Doanh nhân Chao Chung Lee, Chủ tịch Tập đoàn Shing Mark.

Duyên nợ với Việt Nam

“Tôi đến Đồng Nai lần đầu tiên vào năm 2001, khi đó, nhà máy sản xuất đồ gỗ, sofa nội thất của tôi đã lớn mạnh tại Trung Quốc. Tôi muốn tìm một nơi để đặt nhà máy mới và chọn Đồng Nai vì khí hậu nơi đây ôn hòa, không nóng quá hay lạnh quá. Ngoài ra, Việt Nam có sự tương đồng về văn hóa với Đài Loan (Trung Quốc), khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Đài Loan cũng không quá xa. Sau đó, tôi đã ‘nghiện’ con người và khí hậu nơi đây”, ông Chao Chung Lee mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư như thế bằng tiếng Việt.

Sau lời bộc bạch chân thành, Nhà sáng lập Tập đoàn Shing Mark kể về tuổi thơ và mối lương duyên của mình với Việt Nam. Ông Chao Chung Lee sinh ra ở Đài Loan, mồ côi cha từ năm 10 tuổi. Tuổi thơ khốn khó và cơ cực đã giúp ông có nghị lực vươn lên.

Năm 26 tuổi, ông thành lập một xưởng gỗ nhỏ tại Đài Loan. Công việc sản xuất, kinh doanh tiến triển thuận lợi, ông Chao Chung Lee gặt hái nhiều thành công và thành lập Tập đoàn Shing Mark với ngành nghề sản xuất gỗ, sắt thép, nội thất, sở hữu một nhà máy 25.000 công nhân tại Trung Quốc.

Tiếp tục hành trình mở rộng hoạt động, ông lựa chọn đặt nhà máy mới tại tỉnh Đồng Nai. Năm 2005, nhà máy của Shing Mark Vina được xây dựng trên diện tích 100 ha và bắt đầu đi vào hoạt động. Quãng thời gian sau đó, ông ở Việt Nam, ăn cơm Việt Nam nhiều hơn ở quê hương và đã quyết định đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc, chuyển hẳn tới sống tại Đồng Nai.

Tôi mở xưởng gỗ đầu tiên năm 26 tuổi, làm việc không biết mệt mỏi kể từ khi bắt đầu sự nghiệp, luôn ăn trưa lúc 2 giờ chiều và ăn tối lúc 10 giờ đêm. Cuộc sống của tôi chủ yếu là làm việc và làm việc. Bạn không thể yêu cầu nhân viên siêng năng khi bạn là một ông chủ lười biếng.

– Doanh nhân Chao Chung Lee

Đưa chúng tôi đi tham quan Nhà máy Sản xuất nội thất Shing Mark Vina, ông Chao Chung Lee chia sẻ, thời điểm trước dịch Covid-19, nhà máy có khoảng 10.000 công nhân. Sau đó, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhà máy cắt giảm nhân lực, còn khoảng 7.000 công nhân. “Gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh lấy lại đà phát triển, nên Công ty đang tiếp tục tuyển dụng”, ông Chao Chung Lee nói.

Dẫn chúng tôi đến dưới bức tượng Đức Mẹ được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà máy, ông Lee nói bằng tiếng Việt: “Tôi hiểu văn hóa của người dân Đồng Nai nơi tôi đang sống, có rất nhiều người theo đạo Thiên Chúa, nên tôi đặt tượng Đức Mẹ ở đây để những công nhân của tôi có thể đứng lễ mỗi ngày. Gần 20 năm nay, tôi ăn cơm trưa cùng công nhân, sống tại nhà tập thể của công nhân. Tôi hiểu công nhân của mình và ngược lại, họ cũng rất hiểu tôi”, vị doanh nhân 76 tuổi bộc bạch.

Ông bảo, mình rất thích ăn trưa cùng công nhân mỗi ngày. Đó là cơ hội để ông được trò chuyện, chia sẻ cùng công nhân, để gần gũi và thấu hiểu họ nhiều hơn. Ngoài ra, ăn trưa tại nhà máy cũng giúp ông… tiết kiệm. Giờ đây, Shing Mark đã trở thành một tập đoàn vững mạnh. Sở hữu doanh nghiệp trị giá hàng chục tỷ USD, đơn hàng luôn kín suốt cả năm, nhưng ông Chao Chung Lee vẫn giữ thói quen tiết kiệm, một phần do xuất thân nghèo khó.

“Về cơ bản, thì khi nghèo hay khi có trong tay rất nhiều tiền, tôi thấy mình vẫn không khác gì mấy. Tiền thì tôi cần đủ dùng thôi, vì tôi không có nhu cầu tiêu xài xa xỉ. Với con cái, tôi cũng không để lại nhiều tiền cho chúng tiêu xài. Tôi muốn các con phải tự làm ra đồng lương, tự tiêu dùng một cách tiết kiệm và cân nhắc. Thật ra, số tiền của một người làm ra khi đã vượt quá nhu cầu tiêu dùng cá nhân, thì nên được trả lại cho xã hội bằng những cách làm khác, như xây trường học, bệnh viện, làm từ thiện… Vì với bản thân mỗi người, quá nhiều tiền cũng nguy hiểm không kém gì sự nghèo đói”, doanh nhân Chao Chung Lee trải lòng.

Chia sẻ thêm về công việc và hoạt động kinh doanh, ông Lee nói, mình luôn tâm niệm rằng, để đi đến thành công, cần có hai đức tính. Đầu tiên, là tính siêng năng. Đến nay, dù đã 76 tuổi, nhưng ông vẫn đang làm việc mỗi ngày và tự mình quản lý công việc.

Thứ hai, là sử dụng đồng tiền một cách tiết kiệm, dù có nhiều tiền hay ít tiền. Khi quyết định đầu tư một ngành nghề nào đó, phải tính đến tình huống xấu nhất là nếu thất bại, thì sẽ lỗ bao nhiêu và liệu mình có đủ tiền bạc để chấp nhận khoản lỗ đó hay không? Đừng vẽ ra một giấc mơ quá đẹp mà không tính đến sự thất bại.

“Tôi mở xưởng gỗ đầu tiên năm 26 tuổi, làm việc không biết mệt mỏi kể từ khi bắt đầu sự nghiệp, luôn ăn trưa lúc 2 giờ chiều và ăn tối lúc 10 giờ đêm. Cuộc sống của tôi chủ yếu là làm việc và làm việc. Bạn không thể yêu cầu nhân viên siêng năng khi bạn là một ông chủ lười biếng. Khi ông chủ chăm chỉ, nhân viên sẽ không dám lười. Con người là tài sản to lớn nhất của doanh nghiệp, do đó, cần trân trọng họ. Đối xử với con người cần dùng cái tâm, dùng tình cảm để chia sẻ, nhưng với tiến độ công việc, thì dứt khoát phải rõ ràng, nguyên tắc và thưởng – phạt phân minh”, ông Lee nói.

Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai)
Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).

Xây bệnh viện không vì lợi nhuận

Sau khi Nhà máy Sản xuất nội thất Shing Mark Vina hoạt động ổn định và phát triển, ông Chao Chung Lee tiếp tục thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh. Ông mua khu đất 10 ha tại Quốc lộ 51, TP. Biên Hòa với ý định ban đầu là xây dựng khách sạn cao cấp. Nhưng, càng gắn bó với công nhân, với những người lao động tại nhà máy và người dân ở tỉnh Đồng Nai, ông quyết định chuyển hướng làm bệnh viện.

“Năm 2014, tôi đầu tư 300 triệu USD để xây dựng Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark và coi đây là một công trình tri ân Việt Nam. Tôi muốn xây dựng một bệnh viện quy mô, hiện đại, chất lượng tốt, chi phí rẻ và ưu tiên người bệnh nghèo, góp chút sức lực cho quê hương thứ hai của mình”, ông Lee nói.

Tháng 9/2017, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark khai trương. Bệnh viện gồm 1.500 giường bệnh, có 15 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, được trang bị những loại máy móc hiện đại mà rất hiếm quốc gia ở Đông Nam Á có được, như máy xạ trị ung thư… Đặc biệt, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark miễn phí tiền dịch vụ khám bệnh cho người dân. Các dịch vụ thu tiền cũng chỉ ở mức dưới 200.000 đồng/lần khám.

“Nhiều năm sống ở Việt Nam, bên cạnh những điều khá tuyệt về đất nước, con người, tốc độ tăng trưởng… của Việt Nam, tôi nghĩ, mình cần thẳng thắn nhận xét là chất lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam nhìn chung chưa tốt. Vì vậy, tôi xây dựng một bệnh viện quy mô, hiện đại, chất lượng tốt và chi phí rẻ”, ông Lee trải lòng.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, vị doanh nhân nhiều lần nhấn mạnh, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark là dự án mang ý nghĩa như một sự tri ân đối với vùng đất mà Shing Mark đến đầu tư.

Ông Lee thừa nhận, bệnh viện không phải là ngành kinh doanh “lõi”, không phải sở trường hay thế mạnh của Tập đoàn. Đầu tư bệnh viện không giống như đầu tư sản xuất. Bởi vậy, từ khi bắt đầu Dự án, ông gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiều đêm mất ngủ vì suy nghĩ. Nguồn vốn đầu tư bệnh viện không phải vấn đề quá lớn, song để làm tốt về mặt chuyên môn là việc không dễ dàng.

May mắn, ông đã mời gọi được sự chung sức của Bệnh viện CCH Đài Loan, Bệnh viện Đại học Y dược Đài Loan, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và một số y, bác sĩ giỏi từ Hoa Kỳ đến hỗ trợ.

Ông Lee tâm sự, ông đầu tư bệnh viện không phải để kinh doanh, vì ông không mong sẽ thu lại vốn trong dự án này. Điều ông có được qua việc đầu tư bệnh viện là để lại cho đời sau một chút gì đó gọi là “tích đức”, theo quan niệm Á Đông. “Cho đến hiện tại, 300 triệu USD đầu tư cho Dự án hoàn toàn là nguồn vốn của Shing Mark, chúng tôi chưa phải đi vay đồng nào, nên áp lực lấy lại vốn gần như không có. Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark không hoạt động vì lợi nhuận. Chúng tôi cung cấp dịch vụ y tế tốt, giá rẻ và ưu tiên bệnh nhân nghèo”, ông Lee khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn Shing Mark, Việt Nam thời điểm này, trong cảm nhận của ông, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nên cơ hội mở ra rất nhiều cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông tự tin đầu tư vào Việt Nam và sẽ tiếp tục gắn bó cùng Việt Nam, bởi đây là nhà, là quê hương của ông.

1 lượt xem | 0 bình luận

Avatar