Kích cung để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế
Chương trình Đối thoại của Báo Đầu tư với chủ đề “Bệ đỡ cho các động lực tăng trưởng” đã đề cập đến một vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ, đó là làm sao tạo động lực cho các doanh nghiệp khi khó khăn lẫn cơ hội vẫn đang đan xen như hiện nay.
Cần cơ chế bảo hộ trong nước
Là một trong hai diễn giả tham gia chương trình, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia kinh tế độc lập, sáng lập viên Think Future Consultancy, đề cập đến vấn đề bảo hộ cho các doanh nghiệp trong nước. Ông ví von doanh nghiệp là “linh hồn” của nền kinh tế, do đó, Việt Nam cần các chính sách giúp doanh nghiệp Việt Nam chiến thắng trên sân nhà, chiếm được thi phần, để tích lũy đủ tiềm lực phát triển mạnh ra nước ngoài.
“Chúng ta đã bảo hộ một số sản phẩm Việt Nam. Và bản thân doanh nghiệp Việt Nam sang nước ngoài cũng vấp phải rào cản lớn về bảo hộ, vậy thì tại sao chúng ta không bảo hộ doanh nghiệp trên chính thị trường Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh đặt vấn đề.
Theo ông Linh, chính sách thông thoáng của Việt Nam đã tạo điều kiện để dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào nhiều lĩnh vực. Nhưng đổi lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng đánh mất thị trường trong nước, do không sở hữu nguồn lực mạnh như đối thủ nước ngoài.
Có thể thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam bị nhiều nhà đầu tư nước ngoài chi phối, như tập đoàn Central Retail với các chuỗi siêu thị GO!, Big C, Tops Market. Hay trong mảng thức ăn chăn nuôi, top 3 doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường đều là các doanh nghiệp nước ngoài.
Thay vì chỉ tập trung vào xu hướng toàn cầu hóa, nhiều quốc gia đã quay lại câu chuyện bảo hộ và Việt Nam cũng nên quan tâm vấn đề này. Tuy nhiên, ông Linh nhấn mạnh không nên bảo hộ tràn lan, tiêu tốn nguồn lực của đất nước mà phải lựa chọn các doanh nghiệp thực sự tạo ra hiệu quả tích cực nếu có sự bảo hộ của Nhà nước. Ngoài ra, cần đảm bảo tính công tâm khi lựa chọn doanh nghiệp được bảo hộ.
“Có rất nhiều lĩnh vực chúng ta chỉ nên ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta cố gắng giữ được sân nhà cho doanh nghiệp Việt Nam trước đã, chờ doanh nghiệp Việt Nam đủ lớn họ sẽ thâu tóm lại các doanh nghiệp nước ngoài”, chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh đề xuất.
Khuyến khích đầu tư mạo hiểm trong doanh nghiệp Nhà nước
Nếu ông Nguyễn Đức Hùng Linh tập trung quan điểm vào vấn thúc đẩy tăng trưởng khối doanh nghiệp tư nhân, thì GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, lại đề cao vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, khu vực đang năm giữ nhiều nguồn lực về vốn, cơ sở vật chất cũng như thị phần trong một số ngành chủ chốt của nền kinh tế.
Ông Hoàng Văn Cường đề cập rằng hiện nay, nhiều địa phương đang xin thông qua cơ chế đặc thù, trong đó đặt ra vấn đề về đầu tư mạo hiểm. Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đề ra những cơ chế về đầu tư mạo hiểm để phát triển Hà Nội.
“Vậy thì chúng ta phải đưa ra một cơ chế mới, chấp nhận đầu tư mạo hiểm trong doanh nghiệp Nhà nước để thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, các doanh nghiệp Nhà nước không thể tự quyết như doanh nghiệp tư nhân, mà phải hoạt động dựa trên khuôn khổ quy định Nhà nước. “Đầu tư 10 lần lãi không sao, nhưng lỗ một lần là phải chịu trách nhiệm”.
Thay vì đi vào kiểm soát hành vi như hiện nay, “làm việc gì cũng phải xin ý kiến cấp trên”, ông đề xuất nên xây dựng cơ chế chỉ kiểm soát kết quả cuối cùng, dựa trên các tiêu chí đánh giá cụ thể. Khi đó, tính năng động, sáng tạo trong doanh nghiệp Nhà nước sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, muốn làm như vậy, Việt Nam cần thay đổi tư tưởng, quan điểm về quản lý vốn Nhà nước, được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (gọi tắt là Luật 69/2014).
Quá trình sửa đổi Luật 69 không thể “một sớm, một chiều”, vì vậy, vị chuyên gia đề xuất nên xây dựng nghị quyết nhằm khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, từ đó khơi thông sự phát triển trong các doanh nghiệp Nhà nước.