1. Home
  2. Doanh nhân
  3. Doanh nhân Trần Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạt điều Gia Bảo: Giấc mơ “Vua điều” dần thành hiện thực
Phạm Nguyễn 7 tháng trước

Doanh nhân Trần Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạt điều Gia Bảo: Giấc mơ “Vua điều” dần thành hiện thực

Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành điều có xu hướng “rời cuộc chơi” vì lỗ, thì Hạt điều Gia Bảo lại tăng trưởng mạnh về doanh thu, có trong tay gần 800 ha vùng nguyên liệu điều và đang xây dựng nhà máy sản xuất lớn. Tất cả để thực hiện giấc mơ “Vua điều” của CEO Trần Văn Sơn.

Ông Trần Văn Sơn, CEO Hạt điều Gia Bảo nhận giải thưởng tại Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023
Ông Trần Văn Sơn, CEO Hạt điều Gia Bảo nhận giải thưởng tại Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023

Giấc mơ “vua điều”

Ngày 11/5, Công ty cổ phần Hạt điều Gia Bảo chính thức khởi công xây dựng nhà máy chế biến hạt điều tại huyện Đông Phú (tỉnh Bình Phước). Vị CEO sinh năm 1985 cho biết, nhà máy sản xuất này được ông đầu tư xây dựng trên diện tích 20.000 m2, vốn đầu tư 6,5 triệu USD. Đây là một trong chuỗi kế hoạch thực hiện giấc mơ “Vua điều” của ông.

Nói về giấc mơ trở thành “Vua điều”, ông Sơn kể, ông sinh ra và lớn lên tại Bình Phước, nơi mệnh danh là thủ phủ của cây điều. Tuổi thơ của vị doanh nhân này gắn liền với sự sinh trưởng của cây điều, những mùa điều ra hoa, kết quả. Ký ức gắn với những buổi chiều cùng mẹ đi nhặt hạt điều.

“Từ bé tới lớn, tôi luôn nghĩ mình sẽ sống với điều và chết cùng điều”, ông Sơn tâm sự.

Khi trưởng thành, dù chọn ngành kỹ sư dầu khí để theo học, nhưng ra trường, ông bỏ nghề và trở lại Bình Phước để bắt tay xây dựng thương hiệu điều của mình với tên gọi “Hạt điều Bà Tư Bình Phước”. Thương hiệu này đặt theo tên của mẹ ông là Bà Tư.

Tiếp tục câu chuyện thực hiện giấc mơ “Vua điều”, ông Sơn cho biết, trước nay, doanh nghiệp luôn phải đi mua điều ở các nước như Campuchia, châu Phi để có đủ nguyên liệu sản xuất. Trong khi đó, chất lượng hạt điều các nước này không bằng Việt Nam. Điều ông trăn trở là Bình Phước không thể đủ nguyên liệu phục vụ đơn hàng sản xuất lớn.

Muốn làm vua ngành này, phải xử lý được câu chuyện nguyên liệu đầu vào lẫn thành phẩm đầu ra. doanh nghiệp phải làm sao quản lý được cả một hệ sinh thái.

– Ông Trần Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạt điều Gia Bảo

“Chính vì vậy, tôi quyết định xây dựng một vùng nguyên liệu cho riêng mình. Tại tỉnh Bình Phước, tôi liên kết với đồng bào dân tộc xây dựng gần 200 ha vùng nguyên liệu, trong đó đất của doanh nghiệp là 50 ha, còn lại là của bà con địa phương. Nhưng chừng đó là chưa đủ. Vậy nên, năm 2021, tôi quyết định tới hai huyện Ninh Sơn và Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận), xin phép tỉnh được xây dựng vùng nguyên liệu điều bằng hình thức thuê đất, liên kết với đồng bào dân tộc, hỗ trợ họ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây điều, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Hiện nay, tôi có gần 400 ha vùng nguyên liệu sẵn sàng cho thu hoạch vụ đầu tiên vào mùa điều năm sau”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Sơn, cùng với xây dựng vùng nguyên liệu này, kỹ sư dạy người dân canh tác vật nuôi, cây trồng dưới tán cây điều để tăng thu nhập. Ông cũng đã có được 26 ha tại Ninh Thuận để chuẩn bị cho việc xây dựng cụm công nghiệp chuyên chế biến hạt điều.

“Đây là kế hoạch của tôi tới năm 2025, còn 5 năm tiếp theo, tôi cần phải xây dựng thêm 1.000 ha vùng nguyên liệu, đồng thời xây dựng chuỗi sản xuất chuyên sâu, bài bản. Có như vậy mới đủ tiêu chuẩn để tôi thực hiện giấc mơ Vua điều”, ông Sơn nói.

Ông Sơn chia sẻ, việc kinh doanh và sản xuất phải có cả vùng nguyên liệu của riêng mình để đi song hành, giống như 2 bàn tay vỗ vào nhau mới có thể tạo tiếng kêu, còn nếu chỉ sản xuất – kinh doanh mà không có vùng nguyên liệu thì khó thành công.

Đây cũng là bài học mà ông rút ra trong những năm tháng kinh doanh của mình. Cụ thể, ông Sơn cho hay, các doanh nghiệp ngành điều đang thua lỗ, thậm chí phải bán nhà máy hoặc đóng cửa. Lý do là các doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh bằng hình thức tạm nhập tái xuất hoặc xuất khẩu thô. Họ không xây dựng được vùng nguyên liệu cũng như sản xuất.

Cũng theo ông Sơn, dù các doanh nghiệp đều nhận thức được việc chế biến sâu sẽ đem lại giá trị cao hơn cho sản phẩm, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư để chuyển đổi. Chế biến sâu đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhà máy và đào tạo cả đội ngũ nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng những quy định khắt khe về quy trình sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát vi sinh, quy trình vận hành nhà máy… Những khoản chi phí này rất lớn, không nhiều doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính, trong khi việc tiếp cận vốn ngân hàng không dễ.

Khi đã có nguồn cung, có nhà máy, theo ông Sơn, việc được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu là đầu tư dây chuyền chế biến đạt chuẩn. Minh chứng là, năm 2023, nhờ đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn trong tất cả các khâu sản xuất và sản phẩm hoàn toàn không sử dụng hóa chất, phẩm màu độc hại hay các chất bảo quản, sản phẩm hạt điều Bà Tư của Công ty Hạt điều Gia Bảo đã vinh dự nhận Giải thưởng Thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

“Từ những đúc kết trên, tôi đi theo chiến lược của mình là sản xuất. Vậy nên, kết thúc năm 2023, vị CEO này cho biết, doanh thu đạt trên 10 triệu USD. Hiện nay, ở thị trường trong nước, thương hiệu Hạt điều Gia Bảo hoặc Hạt điều Bà Tư có mặt khắp các cửa hàng, siêu thị. Các thị trường xuất khẩu như Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ… cũng có thương hiệu của chúng tôi”, ông Sơn nói.

Mới đây, doanh nhân Trần Văn Sơn đã giải quyết được bài toán nhận dạng thương hiệu khi đưa Bình Phước trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có chỉ dẫn địa lý hạt điều với chính thương hiệu “Hạt điều Bà Tư Bình Phước” và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Sơn lý giải, chỉ dẫn địa lý giống như giấy thông hành cho sản phẩm của doanh nghiệp. Khi sản phẩm hạt điều được gắn chỉ dẫn, có thể đi đến bất kỳ siêu thị hay thị trường nào. Đặc biệt, thị trường Hoa Kỳ và Thái Lan đánh giá rất cao và tin tưởng các sản phẩm có gắn chỉ dẫn địa lý.

“Muốn làm vua ngành này, phải xử lý được câu chuyện nguyên liệu đầu vào lẫn thành phẩm đầu ra. Doanh nghiệp phải làm sao quản lý được cả một hệ sinh thái”, Tổng giám đốc Hạt điều Gia Bảo khẳng định.

Xây dựng Dự án Hạt điều xanh

Để thực hiện giấc mơ “Vua điều”, ông Sơn cho biết, sản xuất hay xây dựng vùng nguyên liệu thôi là chưa đủ, mà phải xây dựng cả thương hiệu. Và cách xây dựng thương hiệu của ông Sơn cũng vô cùng đặc biệt.

Cụ thể, vào tháng 4/2024, ông cùng Doanh nghiệp xã hội Green Journey xây dựng Dự án Hạt điều xanh (Green Cashew). Theo đó, Dự án không chỉ tập trung vào cây điều, mà còn hướng đến việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái sinh kế dưới tán điều cho cộng đồng, đặc biệt là bà con người dân tộc có mối liên kết sâu đậm với cây điều – loại cây được xem là “cây xóa đói giảm nghèo”.

Dự án Hạt điều xanh hướng đến trở thành cầu nối giữa các bên có liên quan trong chuỗi sản xuất hạt điều, đưa ra các giải pháp để góp phần hỗ trợ ngành điều phát triển bền vững theo xu hướng xanh. Tập trung vào việc nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các sản phẩm từ hạt điều, song hành với bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững cho nguồn tài nguyên xoay quanh cây điều. Đồng thời, phát huy đầy đủ hiệu quả mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ.

“Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới. Ngành điều Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức mới trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và sự biến động trong môi trường kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, nhận thấy những khó khăn ngay tại thủ phủ điều từ góc độ doanh nghiệp trong ngành, tôi kỳ vọng, thông qua Dự án sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm chế biến sâu phù hợp với thị trường nội địa cũng như xuất khẩu để nâng cao giá trị hạt điều Việt Nam. Đồng thời, tái canh, mở rộng và liên kết vùng trồng, cũng như nâng cao kỹ thuật canh tác và giống, từ đó nâng cao năng suất và thu nhập cho bản thân nông dân trồng điều, giúp họ làm giàu trên mảnh đất của mình”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho biết, các vấn đề về lao động tại địa phương hay gắn kết chặt chẽ các doanh nghiệp làm điều khác trong từng mắc xích của chuỗi giá trị điều cũng là mối quan tâm hàng đầu để hiện thực hóa giá trị bền vững mà Dự án hướng đến.

Theo ông Sơn, trước mắt, Dự án tập trung hỗ trợ nông dân trồng điều nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, gắn liền với giảm phát thải carbon, đồng thời phối hợp với các bên tiến hành đánh giá, đo lường tín chỉ carbon từ cây điều.

2 lượt xem | 0 bình luận

Avatar