1. Home
  2. Doanh nhân
  3. Doanh nhân Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean: Lập nghiệp từ giấc mơ có chiếc quần jean
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

Doanh nhân Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean: Lập nghiệp từ giấc mơ có chiếc quần jean

Hơn 3 thập kỷ nỗ lực không ngừng, doanh nhân Phạm Văn Việt cùng các cộng sự đã xây dựng được thương hiệu jean, cung ứng sản phẩm thời trang cho các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, chinh phục đông đảo khách hàng trẻ ở trong nước.

doanh nhân Phạm Văn Việt
Doanh nhân Phạm Văn Việt

Từ giấc mơ có chiếc quần jean, đến mong muốn đưa thời trang Việt lên bản đồ thế giới

Đầu những năm 1980, khi đất nước còn khó khăn, người dân vẫn thiếu ăn, thiếu mặc, chiếc quần jean là thứ hàng xa xỉ, không phải ai cũng có thể sở hữu. Ông Việt kể, khi đó, một chiếc quần jean có giá tương đương 5 chỉ vàng.

Năm 1988, ông và 2 người bạn cùng nhau lập nghiệp, xây dựng một hiệu thời trang chuyên sản xuất quần jean. Thương hiệu nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thời trang phía Nam.

“Anh Thắng là thợ may đồ giỏi nhất chợ Bến Thành thời điểm đó, còn anh Khoa là người may túi xách. Tôi mời các anh ấy về để cùng tôi thành lập công ty. Mỗi người góp 15 cây vàng. Lúc ấy, 15 cây vàng có thể mua được căn nhà ở trung tâm Sài Gòn. Ba người chúng tôi gần như gom hết tài sản để làm vốn đầu tư. Không chỉ để thỏa giấc mơ có chiếc quần jean để mặc, chúng tôi còn mong muốn đưa thời trang Việt lên bản đồ thế giới, nên đặt tên công ty là Việt Thắng Jean”, ông Việt nhớ lại.

Ban đầu, chọn jean làm sản phẩm chinh phục thị trường nội địa, Việt Thắng Jean vướng ngay cái khó là đồ jean chưa phổ biến với người Việt. Thời điểm đó, chi phí nguyên liệu cao, nên giá thành sản xuất quần jean nhỉnh hơn các dòng vải khác. Do giá khá đắt, nên đồ jean chỉ dành cho những người có kinh tế.

Không chỉ để thỏa giấc mơ có chiếc quần jean để mặc, chúng tôi còn mong muốn đưa thời trang Việt lên bản đồ thế giới, nên đặt tên công ty là Việt Thắng Jean”.

 – Doanh nhân Phạm Văn Việt

Trong khi đó, các dòng hàng trôi nổi không có thương hiệu, hoặc nhập khẩu không chính ngạch cũng gây nhiều khó khăn cho sự phát triển của Việt Thắng Jean. “Thời điểm đó, quần kaki, vải lụa tơ tằm rất thịnh, mà giá chiếc quần kaki chỉ bằng 80% giá của quần jean”, ông Việt kể.

Với nỗ lực không ngừng, ông Việt cùng các cộng sự đã đưa Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Sau 5 năm thành lập, đến năm 1993, Việt Thắng Jean đã có hơn 400 đại lý trên toàn quốc. Nhưng tới năm 1995, thị trường trong nước xuất hiện nhiều hàng nhập lậu, cạnh tranh khốc liệt hơn. Không đầu hàng khó khăn, cộng với một chút liều của tuổi trẻ, ông Việt cùng 2 người bạn quyết định tìm đường xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. 

“Thời điểm đó, chính sách ưu tiên cho xuất khẩu, thuế suất đối với nguyên liệu nhập khẩu cũng như sản phẩm xuất đi đều bằng 0, còn hàng nhập khẩu để bán tại thị trường nội địa phải cộng 4% thuế, chưa tính thuế giá trị gia tăng, nên chúng tôi chuyển hướng xuất khẩu để hưởng ưu đãi”, ông Việt chia sẻ lý do lựa chọn hướng đi mới.

Nhưng, quá trình đăng ký để được xuất khẩu cũng lắm gian truân, bởi giai đoạn đó, các doanh nghiệp tư nhân như Việt Thắng Jean không có được lợi thế trong xuất khẩu trực tiếp như doanh nghiệp nhà nước.

“Phải đến năm 1996, Công ty mới xin được quota xuất khẩu. Đầu tiên, chúng tôi xuất sang Mỹ, Canada, Nhật Bản, rồi xuất sang Đức và được thị trường này đón nhận rất nhiệt tình. Thậm chí, chúng tôi cạnh trạnh được về giá và về chất lượng sản phẩm với hàng của các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan đã có mặt trước đó”, Chủ tịch Việt Thắng Jean tự hào chia sẻ.

Nhận thấy xu thế thị trường, muốn tồn tại trong ngành thời trang bền vững thì phải đầu tư có chiều sâu, ông Việt xây dựng lộ trình cho Việt Thắng Jean, sau khi đầu tư dây chuyền công nghệ bán tự động, thì sẽ chuyển lên tự động nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xanh, nhất là của thị trường châu Âu. Đón đầu công nghệ trước 5 – 10 năm, vị doanh nhân sinh năm 1964 bỏ số vốn lớn mua máy móc từ Đức để cải tiến dây chuyền sản xuất.

Năm 2012, Việt Thắng Jean đầu tư 25 triệu USD cho 2 nhà máy, tiếp tục cải tiến về công nghệ, với mục tiêu sản xuất sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam, mà còn để chinh phục thị trường châu Âu. Hơn ai hết, ông Việt hiểu rằng, trong tương lai, nếu không đạt chuẩn công nghệ và không sản xuất xanh, thì sẽ rất khó vào thị trường này.

Đặc biệt, Việt Thắng Jean đã đầu tư máy Lazer Plexi Pro Technology 4.0 in hoa văn, làm bạc màu nghệ thuật, làm rách, cũng như tạo khối định hình phom dáng trên chất liệu denim. Thời điểm đó, máy cắt lazer công nghệ chuẩn EU có giá 435.000 USD/chiếc. Ông Việt không ngần ngại mua 2 máy để phục vụ sản xuất, đồng thời ứng dụng 2 dây chuyền sản xuất từ Thổ Nhĩ Kỳ (công suất 11.000 sản phẩm/dây chuyền) với chi phí hơn 12 triệu USD.

“Hiệu quả thấy rất rõ: 1 máy cắt lazer thay cho khoảng 50 lao động và chỉ sau 3 năm, chúng tôi có thể thu hồi vốn. Không chỉ cạnh tranh về giá, chất lượng, mà đầu tư máy móc hiện đại còn giúp đảm bảo về tốc độ. Nếu trước đó, đơn hàng phải làm trong 12 tháng, thì nay có những đơn hàng chỉ làm trong 3 tháng, thậm chí trong vòng 30 ngày phải giao”, ông Việt nói về lợi ích của việc đầu tư, cải tiến dây chuyền sản xuất.

Thành công với thương hiệu V-Sixtyfour tại “sân nhà”

Sau nhiều năm “chinh chiến” và gặt hái được thành công ở các thị trường xuất khẩu, năm 2018, ông Việt quay lại thị trường trong nước với thương hiệu V-Sixtyfour.

V-Sixtyfour được ghép từ chữ “V” – viết tắt tên của ông và “sixtyfour” – năm sinh của ông (1964). Lý giải về sự tái xuất ở thị trường nội địa cùng với việc đặt tên thương hiệu gắn với tên và năm sinh của mình, ông nói, trong cuộc đời kinh doanh, phải để lại dấu ấn cho thấy quá trình nỗ lực của mình.

“Tôi quay về chinh phục thị trường trong nước không phải vì xuất khẩu gặp khó, mà điều này nằm trong lộ trình của chúng tôi ngay từ đầu. Sau khi thành công với xuất khẩu, tôi ấp ủ một thương hiệu với tên của chính tôi và sản phẩm chất lượng cùng mẫu mã hiện đại dựa trên kinh nghiệm mà chúng tôi đã đúc kết sau bao năm, để phục vụ thị trường trăm triệu dân Việt Nam”, ông Việt tâm sự.

Sau dịch Covid-19, lao động ít tăng ca, chỉ làm việc khoảng 7 tiếng/ngày và nhận thêm trợ cấp từ Công ty để trang trải chi phí. Trăn trở tìm cách nâng mức thu nhập cho những người lao động đã gắn bó lâu dài với mình, ông Việt càng quyết tâm khai thác thị trường nội địa mạnh hơn để tăng đơn hàng, từ đó tăng thu nhập cho công nhân.

Để sản phẩm mang thương hiệu V-Sixtyfour chinh phục được thị trường nội địa, ông Việt xác định, cần phải hiểu rõ gu ăn mặc của khách hàng theo văn hóa từng vùng, miền, từ đó sẽ thiết kế sản phẩm với kiểu dáng, mẫu mã phù hợp.

Đặc biệt, trong lần trở lại này, Việt Thắng Jean vẫn đánh mạnh vào phân khúc giới trẻ, thanh thiếu niên, nhưng sản phẩm mang thương hiệu

V-Sixtyfour thì “khoanh vùng” khách loại A, nghĩa là phân khúc khách hàng có mức chi tiêu cao.

Với nghiệm hàng chục năm xuất khẩu sản phẩm vào nhiều thị trường trên thế giới, ông Việt nắm bắt rất tốt xu hướng thời trang đang thịnh hành, biết được màu sắc nào đang “ăn khách”, những trung tâm thời trang nào ảnh hưởng tới xu hướng ăn mặc của giới trẻ… “Ví dụ, sản phẩm của chúng tôi hướng theo phong cách của 2 trung tâm thời trang thế giới, là Milan và NewYork, một bên chú trọng yếu tố thời trang, một bên chú trọng kiểu dáng và màu sắc”, nhà sáng lập V-Sixtyfour chia sẻ.

Nhờ vậy, dù chịu tác động mạnh từ sự suy giảm thị trường giai đoạn trong và sau Covid-19, thương hiệu V-Sixtyfour vẫn chiếm khoảng 13% thị trường ở phân khúc đã chọn. Mục tiêu trong năm 2024, V-Sixtyfour sẽ nâng con số này lên 25%.

Theo ông Việt, hiện nay, hành vi mua sắm của người dùng thay đổi nhiều so với những giai đoạn trước đây. Ngoài yêu cầu mặc đẹp, thoải mái, giá cả hợp lý, người dùng còn rất quan tâm tới đóng góp của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, sản xuất bền vững. Đây là một thách thức, nhưng cũng có thể được coi là lợi thế của Việt Thắng Jean, bởi điều này đã được ông Việt cùng đội ngũ sáng lập xác định và tập trung xây dựng ngay từ đầu.

“Việt Thắng Jean sản xuất, V-Sixtyfour phân phối sản phẩm là cách mà chúng tôi khẳng định hệ sinh thái bền vững”, ông Việt khẳng định.

Nhìn lại chặng đường 36 năm gây dựng Việt Thắng Jean, ông Việt chia sẻ, ông và các cộng sự đã trải qua không ít thăng trầm, trong đó, giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp là thời điểm trong và sau khi xảy ra đại dịch Covid-19. Năm 2022, Việt Thắng Jean “thấm đòn” hậu Covid-19, cộng thêm xung đột Nga – Ukraine, kinh tế toàn cầu suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp tới ngành dệt may, sản lượng hàng xuất khẩu của Việt Thắng Jean vào thị trường Mỹ, EU có tháng giảm tới 80%…

Bên cạnh đó, Việt Thắng Jean cũng phải đối diện với những thách thức mới, như phải cạnh tranh với các nhãn hàng trôi nổi, bị sao chép mẫu mã, nhóm khách hàng trẻ mà Công ty hướng tới thường thay đổi sở thích, xu hướng rất nhanh chóng…

Để tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ, từ cửa hàng truyền thống đến kinh doanh online, ông Việt đã đầu tư xây dựng và phát triển kênh thương mại điện tử với phương châm phục vụ khách hàng 24/24. Thương hiệu cũng có sự điều chỉnh về giá bán, tung nhiều chương trình khuyến mại để hút khách. Năm 2022 doanh thu toàn ngành sụt giảm, nhưng thương hiệu V-Sixtyfour của Việt Thắng Jean lại tăng hơn 300% doanh thu.

“Để có được thành quả như hôm nay, tôi nghĩ, bản thân phải trung thành với mục tiêu mà mình đặt ra từ ngay ban đầu. Bởi quá trình kinh doanh phục vụ khách hàng sẽ vướng phải rất nhiều khó khăn, làm sao để giữ được mục tiêu, tiêu chí ban đầu, thì doanh nghiệp mới chứng tỏ được  bản lĩnh và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách hàng”, Chủ tịch Việt Thắng Jean bày tỏ.

1 lượt xem | 0 bình luận

Avatar