- Home
- Doanh nhân
- Doanh nhân Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT Chanh Việt: Biến đất phèn thành rừng chanh không hạt
Doanh nhân Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT Chanh Việt: Biến đất phèn thành rừng chanh không hạt
Ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (Chavi). |
Biến hàng trăm héc-ta đất phèn thành “rừng” chanh
Thực hiện ước mơ đưa sản phẩm nông nghiệp trong nước nói chung, quả chanh không hạt nói riêng vươn ra thế giới, ông Nguyễn Văn Hiển – người đàn ông xứ Quảng – đã không ngại khó khăn, thách thức, biến hàng trăm héc-ta đất phèn, đất mặn vùng Đồng Tháp Mười thành “rừng” chanh.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (Chavi) vốn là một doanh nhân thành công trong ngành xây dựng. Nhưng khi có chút “của ăn của để”, niềm đam mê và những trăn trở với người nông dân, với nông nghiệp nước nhà đã thôi thúc ông đặt chân tới vùng đất Thạnh Lợi (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) – vùng dân cư thưa thớt, chỉ có tràm và cỏ dại – để bắt đầu hành trình.
“Lúc đó chỉ nghĩ là mua để dành, mai này làm trang trại kiểu trồng rau, nuôi cá, cuối tuần bạn bè tụ tập cho đỡ nhớ quê”, Chủ tịch Chavi bộc bạch.
Tuy nhiên, sẽ quá lãng phí nếu mua xong rồi bỏ đất trống. Thế là ông chủ Chavi quyết định phải làm gì đó. Một số cây trồng như chuối, dưa hấu, thanh long, dứa, đu đủ… được ông Hiển tìm hiểu, dò hỏi người dân địa phương, nhưng thấy không ăn thua bởi đầu ra không ổn định, luôn trong tình trạng chờ “giải cứu”.
Gõ cửa nhiều nơi, ông đến Trung tâm Khuyến nông của huyện Bến Lức nhờ tư vấn, đến Viện Cây ăn quả miền Nam tìm hiểu, đến Trường đại học Nông Lâm TP.HCM học hỏi các chuyên gia nông nghiệp, đồng thời tham vấn ý kiến của các lão nông nhiều kinh nghiệm nơi đây… Cuối cùng, ông quyết định khởi đầu với quả chanh không hạt.
Đó là năm 2011, khi vùng đất Thạnh Lợi chưa có điện, nước. Để trồng được chanh, ông phải đầu tư hơn 3 tỷ đồng kéo đường điện 3 pha và làm hơn 2 km đường bê tông lấy lối đi, hệ thống nước phục vụ tưới tiêu…
Dù khởi đầu khá khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương và sự hỗ trợ về kỹ thuật của nhiều chuyên gia nông nghiệp từ các viện, trường…, Chanh Việt tiên phong làm sống lại “vùng đất chết” khi tạo cú hích lan tỏa vùng nguyên liệu hàng ngàn héc-ta của huyện Bến Lức, đưa cây chanh trở thành một trong những cây trồng quan trọng của tỉnh Long An.
Nâng tầm chanh Việt
“Tôi luôn trăn trở về câu chuyện chất lượng nông sản Việt. Đi kèm với cái ‘tôi’ rất lớn, tôi cố gắng để vườn chanh của mình đạt tiêu chuẩn Global GAP ngay từ những ngày bắt đầu, dù chưa biết phải đi từ đâu”, ông Hiển bộc bạch.
Sự khác biệt của Chanh Việt là, ngay từ đầu, doanh nghiệp được các nhà khoa học định hướng tiêu chuẩn quản lý trang trại Global GAP, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP, từ quy trình canh tác, thiết kế trang trại cho đến sau thu hoạch, nên đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Thời đó, quyết định thì dễ, nhưng để thực hiện lại khá khó khăn. Ông nhận ra, Chanh Việt còn “chưa chín”, khi chỉ có 30% quả chanh tươi đạt tiêu chuẩn trong tổng sản lượng xuất khẩu sang châu Âu, 70% còn lại không đạt chuẩn, khách hàng loại bỏ.
“Vấn đề nan giải là, khi chanh trồng theo phương pháp hữu cơ, trái không thể to, đẹp, đều như nhau và trái loại 1 đủ chuẩn xuất đi châu Âu chỉ chiếm 30 – 40% sản lượng. Phần còn lại, nếu bán giá thấp như trồng đại trà, thì không bõ công và lại cạnh tranh với nông dân của mình – ‘điều cấm’ mà tôi đã đặt ra ngay từ khi khởi nghiệp trồng chanh. Đó cũng là lý do để tôi nghĩ nhiều hướng chế biến những quả chanh còn lại theo cách làm sao để vắt chanh mà không phải bỏ vỏ, thay vì ‘vắt chanh bỏ vỏ’ như ông bà mình hay nói”, ông Nguyễn Văn Hiển chia sẻ.
Năm 2013 – 2014, sau nhiều năm thua lỗ với quả chanh tươi, ông Hiển bắt đầu suy nghĩ đến chế biến các sản phẩm từ chanh, như bột chanh gia vị, bột chanh nguyên chất, nước cốt chanh, sốt chanh, tinh dầu chanh, chanh sấy…
Chủ tịch HĐQT Chanh Việt cho hay: “Ban đầu, tôi có định hướng, nhưng không biết sẽ làm ra sản phẩm gì, bán như thế nào, mua máy móc ra sao? Thế là tôi cùng các chuyên gia nông nghiệp làm từng bước, sang Nhật Bản, Trung Quốc, Nhật Bản… tìm mua máy móc phù hợp, đạt chuẩn; tự nghiên cứu máy sản xuất của riêng mình để đầu tư nhà máy tại Long An”.
Nhiều năm liền, ông Hiển cùng đội ngũ tại Chavi liên tục nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu… Đến nay, dù doanh nghiệp phát triển đã gần 15 năm, nhưng doanh nghiệp vẫn không ngừng đổi mới, cập nhật máy móc, thiết bị hiện đại để ngày càng nâng cao chất lượng cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Xuất khẩu chanh hàng đầu Việt Nam
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ông Nguyễn Văn Hiển vẫn kiên định với định hướng ban đầu, đó là đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy, Chavi nỗ lực tìm đường sang Nhật Bản. “Yêu cầu càng cao, thì doanh nghiệp sẽ nỗ lực đáp ứng sao cho chuẩn nhất. Như vậy, về sau, con đường xuất khẩu mới có thể nhẹ nhàng hơn. Cứ làm như vậy đến gần 4 năm, sau quá trình kiểm tra nguồn đất, nước, vi sinh…, cuối cùng, sản phẩm được thông qua và tiến đến chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản”, Chủ tịch Chanh Việt tâm đắc.
Đơn hàng đầu tiên sang Nhật là container ghép, với khối lượng không nhiều, tổng doanh thu chỉ vài trăm triệu đồng, nhưng ông Hiển và đội ngũ Chanh Việt hạnh phúc vô cùng.
Tiếp đà đó, Chanh Việt có mặt tại các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Hà Lan, Mỹ, Na Uy…
Đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu sang 15 thị trường, có chính ngạch, có container ghép…
Đến thời điểm trước dịch Covid-19, xuất khẩu chiếm 60% tổng lượng hàng (tiêu thụ nội địa chiếm 40%). Tuy nhiên, theo ông Hiển, sau dịch Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, cán cân thương mại đảo chiều và doanh nghiệp nhanh chóng tập trung đầu tư cho thị trường nội địa.
“Trước đó, chúng tôi chưa nhìn thấy hết tiềm năng ở thị trường trong nước, nhưng sau dịch Covid-19, người tiêu dùng yêu thích và ủng hộ sản phẩm của người Việt nhiều hơn, ưu tiên các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Đây là cơ hội cho Chanh Việt nói riêng và các doanh nghiệp nông sản Việt nói chung”, ông Hiển nhìn nhận.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiển, năm 2017 – 2018, thị trường sản phẩm bột chanh Mr Jim (thương hiệu Thái Lan, chuyên thu mua chanh tươi Việt Nam, sau khi chế biến tại nhà máy ở Thái Lan, rồi xuất khẩu sang Việt Nam) và Knorr chiếm tương ứng 30 – 35% và 55 – 60% thị phần, trong khi Chanh Việt chỉ chiếm 5-10%.
Đến nay, sau hành trình chinh phục người tiêu dùng nội địa, Chủ tịch Chavi tự tin khẳng định, sản phẩm bột chanh của Chanh Việt chiếm 60-70% ở thị trường miền Tây, trong khi Mr Jim chỉ chiếm 3-5%.
Chủ tịch Nguyễn Văn Hiển chia sẻ: “Đến nay, Chanh Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt với các doanh nghiệp nước ngoài ở thị trường nội địa, bởi Chanh Việt có thể hiểu rõ khẩu vị của người tiêu dùng Việt, điều chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp với yêu cầu của khách hàng”.
Nhờ đó, hiện tại, Long An không còn cảnh giải cứu chanh. Với ông Hiển, nếu bà con được mùa, nhưng mất giá hoặc không thể bán được hàng, thì có thể tìm đến Chanh Việt, dù không hỗ trợ được tất cả, nhưng ông luôn cố gắng thu mua nhiều nhất có thể. Sau mùa vụ, nhà máy Chanh Việt tiến hành vắt nước và trữ lại để sản xuất trong năm.
Sau thành công của chanh, Chavi tiếp tục phát triển với trái thanh long ruột đỏ của Long An. Ngoài ra, nước cốt gừng, dưa hấu, dứa, xoài… và hàng loạt nông sản khác được doanh nghiệp thu mua để phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.