1. Home
  2. Thời sự
  3. Báo chí Cách mạng Việt Nam tiếp tục sứ mệnh vẻ vang
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

Báo chí Cách mạng Việt Nam tiếp tục sứ mệnh vẻ vang

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, PGS-TS, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh (bút danh Hồng Vinh), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ với Báo Đầu tư về sứ mệnh của báo chí trong kỷ nguyên công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ.

 PGS-TS, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh

Vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng

Người viết báo được ví là “thư ký của thời đại”, nhưng trước sự lên ngôi của mạng xã hội, ông có nghĩ rằng, vai trò đó đang bị lu mờ?

Trước sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, hoạt động của báo chí trên thế giới hiện nay gặp nhiều khó khăn và thách thức trên con đường phát triển.

Trong hoàn cảnh chung ấy, Báo chí Cách mạng Việt Nam vẫn phải làm tốt nhiệm vụ chính trị cao cả là tuyên truyền, phổ biến; đồng thời tham gia xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khẳng định những thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, những người làm báo Việt Nam vẫn giữ vai trò không chỉ là thư ký của thời đại, mà còn tham gia định hướng đúng đắn dư luận xã hội.

Cho dù mạng xã hội phát triển đến đâu, công nghệ 5.0 rồi 6.0 ra đời và thịnh hành, thì nền báo chí Việt Nam, bao gồm cả báo báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử vẫn tồn tại và phát triển. Với tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện, cung cấp thông tin cho độc giả nhanh hơn, đa dạng hơn bằng nhiều hình thức, phương thức hiện đại, theo kịp xu hướng báo chí của thời đại và sự phát triển của công nghệ thông tin, áp dụng thành tựu hiện đại vào các công đoạn tác nghiệp, báo chí Việt Nam vẫn giữ vai trò quan trọng, là nhu cầu thiết yếu của cán bộ, đảng viên và nhân dân, thì mạng xã hội không thể thay thế. Điều đó càng khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta tiếp tục tạo điều kiện cho báo chí phát triển theo hướng hiện đại và nhân văn.

Nhưng thưa ông, sự kiện ông Thích Minh Tuệ vừa tạo ra “làn sóng mạng xã hội”, làm xáo trộn quan niệm, quan điểm về tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân. Trong sự kiện này, phải chăng, vai trò của báo chí có phần mờ nhạt?

Sự kiện ông Thích Minh Tuệ đi hành đạo, bỏ qua các khía cạnh khác, chỉ nhìn từ góc độ truyền thông, cá nhân tôi thấy, dường như báo chí chính thống và cả cơ quan quản lý nhà nước đã có lúc bị “sốc phản vệ”, để mạng xã hội độc chiếm thông tin “thượng vàng, hạ cám”.

Sự kiện ồn ào chưa từng có này, người dân chỉ xem mạng xã hội với cơ man YouTuber, TikToker từ khắp nơi đổ về đoạn đường ông Tuệ đi qua, quay video, clip nhiều chiều, rồi đưa lên mạng xã hội cùng hàng trăm lời bình đủ mọi dạng, thậm chí quá đà. Người dân cũng thực sự “sốc” khi chứng kiến cả ngàn người đổ ra đường theo dõi và đi theo ông Tuệ với đủ mọi tâm lý: ngưỡng mộ có, tò mò có, hiếu kỳ có và một bộ phận đi theo đám đông với “tâm lý bầy đàn” cũng có. Có thể nói, đúng là “sự cố truyền thông” do các YouTuber, TikToker đua nhau độc chiếm mạng xã hội gây ra.

Nhớ lại 3 lần bộ hành trước của ông Thích Minh Tuệ từ năm 2017, hầu như ít người biết đến. Vậy mà, trong thời điểm tháng 5 vừa qua lại gây sự ồn ào, thu hút đông đảo dư luận xã hội đến thế! Tôi liên tục nhận được điện thoại, tin nhắn của rất nhiều người là đồng nghiệp, anh em, bè bạn hỏi về thực chất sự kiện này.

Ông trả lời đại ý thế nào?

Sự kiện ông Thích Minh Tuệ, một công dân thực hành quyền tự do tín ngưỡng được pháp luật bảo vệ, không có gì gây ra ồn ào, nếu không có mạng xã hội. Vì thế, tôi thực sự trăn trở và đặt câu hỏi: báo chí của chúng ta có cả một hệ thống hùng hậu với hơn 800 cơ quan báo chí đủ loại, cả báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử, mà không hiểu sao lại để mạng xã hội “độc chiếm kênh”?

Trong khi đó, truyền thông chính thống chỉ đưa tin thưa thớt, rất hiếm có những bài bình luận, phân tích sắc xảo, đầy tính thuyết phục nhằm chỉ ra những điều không hẳn đã sai, nhưng chưa đúng của hiện tượng này để định hướng dư luận. Đặc biệt, hầu như chưa có bài báo nào “ra tấm, ra miếng” chỉ ra bản chất sự việc và dự báo phát triển đến đâu, tác động thế nào đến sự ổn định đời sống, sinh hoạt xã hội nơi ông Thích Minh Tuệ đã đi qua và sẽ đi qua.

Thực tiễn chỉ ra rằng, người dân luôn trông chờ vào tiếng nói chính thống qua báo chí cách mạng, đặc biệt, cán bộ, đảng viên và những người có lương tri, có trách nhiệm luôn mong muốn báo chí làm tốt vai trò định hướng dư luận, xây đắp cái hay, cái tốt, cái đúng, cái nhân văn.

Người dân mong đợi những tác phẩm báo chí như vậy, vì họ đã quá ngán cảnh cứ mở mạng Internet, bật ti-vi là thấy video clip, hình ảnh hàng trăm, hàng ngàn người dân chen chúc đứng ven đường, đi theo ông Tuệ giữa nắng hè miền Trung đổ lửa, kèm theo không biết bao nhiêu comment (bình luận). Trong đó, không loại trừ bình luận của một bộ phận người không thiện chí với chính quyền cách mạng nhằm xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, gây mâu thuẫn tôn giáo, nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Mục đích của các bình luận với ý đồ xấu này là gì, thì ai cũng biết.

Như vậy, việc không có cách ứng xử phù hợp, nhanh nhạy, thậm chí nhiều cơ quan báo chí hình như lảng tránh sự việc, trông chờ tình hình, đã để YouTuber, TikToker trục lợi và thế lực không thân thiện, bất đồng chính kiến có cớ để xuyên tạc, thậm chí bôi nhọ chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước, là điều cần suy ngẫm và rất cần đúc rút bài học kinh nghiệm.

Cũng rất mừng là sự kiện ồn ào này sớm kết thúc, thưa ông?

Sau một thời gian có thể nói là lúng túng, cuối cùng, hệ thống báo chí đã lên tiếng, có nhiều bài phân tích khá sâu. Chúng ta đã có nhiều bài báo định hướng dư luận, giải thích sự kiện, hiện tượng một cách thuyết phục, nhờ đó, việc ồn ào không đáng có đã qua đi. Sự kiện ông Thích Minh Tuệ là bài học kinh nghiệm rất quý với báo chí trong việc chủ động xử lý và định hướng thông tin.

Sau khi ông Thích Minh Tuệ tự nguyện ẩn cư, đã xuất hiện ngay những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về chính sách tôn giáo của Việt Nam từ một số phần tử chống đối. Tối ngày 8/6, Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) có cuộc phỏng vấn ông Tuệ về việc ông ẩn cư. Điều này đã góp sức ngăn chặn bước đầu các thông tin chống phá, xuyên tạc; đồng thời cũng khẳng định chính sách nhất quán tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Như vậy, càng thấy rõ những người làm báo có vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, thưa ông?

Trong thời đại công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển khủng khiếp, nếu để hiện tượng cung cấp thông tin xô bồ, không được kiểm chứng, chỉ nói lên một phần sự thật, chứ không phải toàn bộ sự thật, trong đó có không ít thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, thì xã hội sẽ phân tâm, thậm chí hoang mang. Trong bối cảnh đó, người dân trông chờ vào tiếng nói, quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước thông qua các cơ quan báo chí chính thống. Báo chí được ví là thư ký thời đại không có nghĩa là chỉ cần ghi lại, chép lại trung thực sự việc, sự kiện xảy ra, mà phải nhìn trước, nhìn sau để thấy nó là những cái gì, đặc biệt khi mạng xã hội phát triển chóng mặt như hiện nay.

Việc mạng xã hội đăng tin không đúng sự thật, đăng có mưu đồ riêng không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở tất cả các nước trên thế giới, kể cả những nước có nền báo chí được coi là tự do, phát triển nhất. Điều này thể hiện rất rõ trước mỗi kỳ bầu cử tổng thống, nghị viện ở các nước phương Tây, vốn được coi là có nền báo chí tự do, dân chủ. Cuối cùng, người dân – cử tri có lý trí chỉ tin vào những thông tin được cơ quan báo chí có uy tín đưa ra, còn tin trên mạng xã hội chỉ để giải trí, tham khảo.

Trở lại với sự kiện ông Thích Minh Tuệ, nghiêm túc nhìn nhận, thì đây là bài học rất sâu sắc và thấm thía với những người làm báo cách mạng. Nếu ai cho rằng, mạng xã hội phát triển như vậy, báo chí bây giờ không còn vai trò, vị trí như trước đây, thì đó là nhận định sai lầm, ngộ nhận. Thực tiễn chỉ ra rằng, người dân luôn trông chờ vào tiếng nói chính thống qua báo chí cách mạng, đặc biệt, cán bộ, đảng viên và những người có lương tri, có trách nhiệm luôn mong muốn báo chí làm tốt vai trò định hướng dư luận, xây đắp cái hay, cái tốt, cái đúng, cái nhân văn.

Báo Đầu tư phát huy thế mạnh, tạo hướng đi riêng với hoạt động tổ chức hội thảo, diễn đàn, sự kiện, talkshow… Trong ảnh: Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai – năm 2024, do Báo Đầu tư tổ chức

Năng động, sáng tạo, bản lĩnh và bứt phá

Để báo chí giữ vững và phát huy vai trò định hướng dư luận xã hội, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, thì cần nhiều yếu tố, trong đó, các cơ quan báo chí phải tăng được doanh thu, bảo đảm đời sống cho người làm báo. Là một trong những nhà báo tiêu biểu trong làng báo chí Việt Nam, chắc ông hiểu được, các cơ quan báo chí hiện rất khó khăn, chật vật trong việc tăng doanh thu?

“Cơm áo không đùa với khách thơ”, làm sao giữ lửa và truyền lửa rộng rãi, khi độc giả, khán giả giảm mạnh vì sự cạnh tranh của mạng xã hội? Không giữ được độc giả, thì doanh thu quảng cáo – nguồn thu nhập chủ đạo của các cơ quan báo chí – bị giảm. Tôi rất chia sẻ với những khó khăn khi các đồng nghiệp đang gồng mình để tự chủ về tài chính, trong khi cần làm tốt nhiệm vụ chính trị, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích được cấp phép.

Bài toán kinh tế báo chí trong môi trường cạnh tranh thông tin rất khốc liệt với mạng xã hội, nhưng phải bảo đảm yêu cầu tự chủ về tài chính và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích thực sự là điều nan giải với bất cứ cơ quan báo chí nào. Làm sao tăng được nguồn thu để cải thiện đời sống cho phóng viên, thì mới có thể duy trì và phát triển, đặc biệt là có được những tác phẩm báo chí hay, được độc giả đón nhận – đó là bài toán rất khó. Đây cũng là thời gian thử thách đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí, chỉ có người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mới đưa cơ quan báo chí vượt qua tình trạng loay hoay trong bài toán “cơm – áo – gạo – tiền”.

Có nhiều cơ quan báo chí làm được điều như ông nói không?

Tại cuộc gặp gỡ đầu xuân giữa Phó thủ tướng Trần Lưu Quang với lãnh đạo các cơ quan báo chí, một số anh chị em bày tỏ băn khoăn về kinh tế báo chí, doanh thu quảng cáo bị sụt giảm nghiêm trọng trước sự cạnh tranh của nền tảng công nghệ thông tin. Phó thủ tướng chia sẻ với khó khăn của báo chí, nhưng ông nhấn mạnh, không phải không có lối ra, nếu lãnh đạo cơ quan báo chí năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Bài toán kinh tế báo chí trong môi trường cạnh tranh thông tin rất khốc liệt với mạng xã hội, nhưng phải bảo đảm yêu cầu tự chủ về tài chính và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích thực sự là điều nan giải với bất cứ cơ quan báo chí nào.

Phó thủ tướng dẫn ví dụ từ Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long và đặt câu hỏi, tại sao cùng môi trường như nhau, trong khi cơ quan báo chí nào cũng kêu khó khăn, thì Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long vẫn tăng được doanh thu, cải thiện được đời sống cho người làm báo, thu hút được nhân lực giỏi?

Tôi cho rằng, gợi ý này rất đáng suy ngẫm, vì người Việt mình có đặc tính rất hay là “cái khó không bó cái khôn”, mà “trong cái khó bao giờ cũng ló cái khôn”. Tôi rất mừng, khi nhiều cơ quan báo chí, như Báo Đầu tư, đã tìm ra hướng đi của riêng mình.

Nhưng thưa ông, mỗi cơ quan báo chí có đặc thù riêng, nên rất khó để áp dụng mô hình thành công của cơ quan này vào cơ quan khác?

Đúng là mỗi cơ quan báo chí trực thuộc cơ quan chủ quản khác nhau, nên có đặc thù riêng, nhưng quy luật vận hành của báo chí trong cơ chế thị trường có nhiều điểm giống nhau.

Tôi chỉ nói ví dụ, cùng trong môi trường “báo ngành”, đứng trước sự “xâm thực” của mạng xã hội về doanh thu quảng cáo, Báo Đầu tư chắc cũng bị sụt giảm doanh thu từ mảng này, nhưng Tổng biên tập Báo Đầu tư, trước đây là anh Nguyễn Anh Tuấn và bây giờ là anh Lê Trọng Minh, là những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nên thay vì tập trung khai thác doanh thu từ quảng cáo, Báo Đầu tư đã tập trung vào tổ chức hội thảo, diễn đàn, sự kiện, talkshow…

Hướng đi của Báo Đầu tư, tôi nghĩ là hướng đi rất đúng, vì không bị cạnh tranh bởi mạng xã hội. Hơn nữa, tổ chức hội thảo, diễn đàn, sự kiện, talkshow còn mang lại rất nhiều lợi ích, vì cung cấp thông tin về những kết quả, nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, kinh nghiệm của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan hoạch định chính sách; tạo ra nguồn thông tin độc quyền cho chính cơ quan báo chí của mình và nhiều cơ quan báo chí khác được đăng tải, khai thác, đem thông tin đa dạng, nhiều chiều cho xã hội; tạo điều kiện cho doanh nghiệp được nói lên những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh rất hiệu quả với chi phí thấp nhất. Cơ quan báo cũng tăng được doanh thu từ những hoạt động này.

Theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước nên tạo điều kiện để các cơ quan báo chí phát huy thế mạnh này bằng cách loại trừ khoản chi phí cho doanh nghiệp tài trợ hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, talkshow cho báo chí ra khỏi thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời không đánh thuế với cơ quan báo chí đối với khoản thu nhập từ hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, talkshow…

Các sự kiện do Báo Đầu tư tổ chức thu hút đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, tham dự

Làm cách nào để tổ chức được hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, talkshow, thưa ông, vì như nhà báo Lê Quốc Vinh, CEO Tập đoàn truyền thông Le Group nhận xét, thì ở Việt Nam có đến 90% sản phẩm báo chí không phù hợp với thị trường?

Trong làng báo chí Việt Nam, có lẽ tôi là một trong những người được tham gia chấm giải báo chí nhiều nhất, từ Giải Báo chí Quốc gia, đến cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, Giải Diên Hồng, Giải Búa liềm vàng. Từ thực tế chấm giải, tôi nhận thấy, số lượng bài viết về tiêu cực, tham nhũng, mặt trái của xã hội có lúc chiếm phần lớn số bài dự thi ở nhiều giải báo chí.

Mở báo mạng, báo giấy cũng thấy số lượng bài tường thuật các vụ án, tham nhũng, tiêu cực, những vụ việc xảy ra bất ngờ, như hỏa hoạn chẳng hạn, tràn ngập trên các mặt báo. Thậm chí, các báo đều đồng loạt đăng thông cáo báo chí, báo cáo định kỳ của bộ, ngành, thông cáo báo chí của doanh nghiệp, phản ánh sự kiện, hội thảo vừa diễn ra. Hầu hết các bài báo loại này đều viết na ná giống nhau, độc giả chỉ cần đọc một bài là đủ. Tức là các cơ quan báo chí đang đem đến cho người đọc sản phẩm khá giống nhau, chất lượng “nhờ nhờ” gần như nhau vì hầu như được “sản xuất hàng loạt theo dây chuyền”, không mang đến cho độc giả thông tin mới, thông tin ngoài lề sự kiện. Những sản phẩm này rõ ràng không phù hợp với thị trường, khó thu hút độc giả.

Một khi sản phẩm báo chí không có gì độc đáo, không hấp dẫn độc giả, không phù hợp với thị trường khi cùng tung ra sản phẩm tương tự như nhau, thì cơ quan báo chí rất khó kiếm tiền từ doanh thu quảng cáo và càng khó khi tổ chức hội thảo, toạ đàm, diễn đàn, talkshow, vì không doanh nghiệp nào bỏ tiền ra tài trợ cho những cơ quan báo chí có ít độc giả.

Báo chí đúng là đang đứng trước rất nhiều khó khăn, nhưng tôi cho rằng, đây là cơ hội để lãnh đạo các cơ quan báo chí chứng minh tài năng, sự năng động, dẫn dắt cơ quan mình bứt phá. Nhiều chục năm lăn lộn trong môi trường báo chí đủ để tôi nghiệm ra rằng, chỉ có những người lãnh đạo báo chí năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cơ quan báo chí chăm lo đến chất lượng từng tác phẩm báo chí, có nhiều tác phẩm đoạt giải báo chí, mới có thể tạo ra doanh thu từ quảng cáo, phát hành, tổ chức sự kiện, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, talkshow. Đây là thời gian thử thách bản lĩnh lãnh đạo các cơ quan báo chí. Tôi rất mừng khi Báo Đầu tư đã làm được những việc như vậy.

Từng là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông có kế sách gì để cả hệ thống báo chí Việt Nam cùng phát triển?

Tôi nghĩ, có một phần khó khăn hiện nay là do chúng ta chưa khai thác hết những quy định về phát triển báo chí. Cụ thể, chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí có cơ chế đặt hàng báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại… và các nhiệm vụ trọng yếu khác phù hợp với từng giai đoạn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định số 362/2019/QĐ-TTg (năm 2019) phê duyệt Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cũng quy định, Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển.

Hàng năm, Chính phủ, các bộ, ngành phải xây dựng rất nhiều luật, nghị quyết, nghị định, quyết định của Thủ tướng và theo quy định, văn bản nào cũng đều phải tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến đóng góp, phản biện của doanh nghiệp, chuyên gia, người dân và đều được ngân sách nhà nước chi trả. Hiện tại, nhiều cơ quan báo chí cũng tổ chức hội thảo, tọa đàm về các nội dung này, các ý kiến đều được gửi cho cơ quan chủ quản và các cơ quan hữu quan, nhưng không được trả chi phí.

Vì thế, để hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đúng định hướng, các bộ, ngành khi được giao nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thì cần đặt hàng cơ quan báo chí, tối thiểu là báo chí mà bộ, ngành là đơn vị chủ quản tổ chức hội thảo, tọa đàm và trả kinh phí theo đúng quy định. Đây cũng là nguồn thu của cơ quan báo chí, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, đúng định hướng của các bộ, ngành. Như vậy, trong bộn bề gian khó, ta vẫn tìm ra lối thoát tích cực.

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar