Theo đó, từ tháng 5-2024, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thí điểm Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Đơn vị được chọn để khởi động đề án là Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú), với diện tích sản xuất thí điểm 50ha.
Toàn bộ diện tích 50ha thí điểm của đề án được gieo trồng bởi giống lúa ST25 (giống lúa chất lượng cao tại địa phương). Quá trình canh tác được áp dụng theo “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL” do Cục Trồng trọt công nhận và ban hành. Hiện trà lúa thí điểm đã xuống giống được gần 1 tháng, đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Bà Dương Thanh Thảo, Giám đốc điều hành CTCP Gạo Ông Thọ, đơn vị bao tiêu sản lượng 50ha lúa cho biết: “Đề án là cơ hội lớn cho cả người nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo. Thực tế trước đây, rất khó để doanh nghiệp kiếm được lô hàng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính, nhưng với quy trình sản xuất của đề án, việc này sẽ dễ dàng hơn. Do đó, nếu đề án được nhân rộng hiệu quả sẽ là cơ hội tốt để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo ra những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản…”.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, người dân tham gia sản xuất thí điểm đề án rất phấn khởi, vì được hỗ trợ trực tiếp nhiều mặt, như giống, phân, cơ giới đồng ruộng… Bên cạnh đó, bà con còn tiếp cận được các ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đảm bảo sản lượng đầu ra.
Theo kế hoạch, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025 sẽ có diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao lên đến 38.500ha, với 78 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia. Đến năm 2030, diện tích canh tác là 76.000ha, với trên 100 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia.
TUẤN QUANG