Đại án Vạn Thịnh Phát và những xót xa đến… ức nghẹn
Tác giả chia sẻ kinh nghiệm điều tra dữ liệu với các phóng viên trẻ và sinh viên thuộc Đoàn khối dân chính Đảng TP.HCM |
Gần một năm trời “bò ra” hoàn thiện chứng lý đến…… gục xuống
Ngày 29/5/2024, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03) công bố kết luận điều tra đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, nhưng tôi không “vỗ đùi” sung sướng như vẫn thường làm, dù kết luận hầu như đúng vấn đề tôi đã điều tra “sống” và đặt ra từ đầu năm 2023. Ngược lại, cảm giác xót xa “ức nghẹn” ập tới, bởi kết luận điều tra được công bố là lúc hết thời hạn tiếp nhận hồ sơ trái chủ để xác định tư cách bị hại theo quy định pháp luật.
C03 cho hay, từ tháng 7/2023 tới ngày 14/5/2024, cơ quan này đã có nhiều thông báo tìm bị hại và ủy thác công an 58 tỉnh/thành phố trên cả nước lấy lời khai của 35.824 người bị hại để làm rõ các sai phạm, cùng kiến nghị của các trái chủ. Song lượng hồ sơ ủy thác chuyển về chỉ hơn 25.000 (tỷ lệ 70,17%), còn lại hơn 10.000 nạn nhân chưa hợp tác đến trình báo.
Trước đó, từ đầu năm 2023, khi tiếp nhận hồ sơ kêu cứu, tôi thực sự sửng sốt khi đa phần tư liệu, ngoài lá đơn kêu cứu, là bất lợi cho khổ chủ, không đủ cơ sở để tố cáo, buộc trách nhiệm ai đó. Nhìn những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt khắc khổ của những người già, của cô giáo về hưu, của bà bán nước mía, tôi hiểu rằng, làm sao họ có điều kiện tìm kiếm chứng lý có lợi cho mình.
Vậy là tôi “bò ra” gần 2 tháng trời “nghiền” tới “nhão” tất cả quy định pháp lý, từ Luật Chứng khoán cũ và mới, các nghị định, thông tư chuyển tiếp, Luật Các tổ chức tín dụng, đến Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự…, để đối chứng với lời kêu cứu và hồ sơ của trái chủ, giúp họ tìm cách tự chứng minh.
Tôi còn “mò” tới tận trụ sở doanh nghiệp phát hành, “mật phục” trong những thời điểm khác nhau tại nơi ở, kiểm chứng với cả người thân về việc làm của chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc một doanh nghiệp phát hành; “săn” bằng được tài liệu “trong ruột” SCB, tài liệu liên quan doanh nghiệp “nhòm ngó” dự án có thế chấp làm tài sản đảm bảo trái phiếu; “nghe ngóng” nắm hậu trường những văn bản từ những “đại gia” vốn là chủ dự án, từng “biết” Vạn Thịnh Phát…
Mất công như vậy, tư liệu tôi nắm trong tay đã có cơ sở chứng minh sự bất thường của việc mua bán trái phiếu; đường đi của dòng tiền mua bán trái phiếu sơ cấp, thứ cấp; các mối quan hệ kim tiền chằng chịt; các công ty con, kinh doanh “ma” trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát lợi dụng khe hở pháp lý để phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều cái “không”, ẵm cả chục ngàn tỷ đồng, rồi… mất dạng; các bất thường trong định giá tài sản; các công ty có quan hệ như… mạng nhện với nhau.
Tôi cũng “bò ra” soạn lại trong “núi” tư liệu để hoàn chỉnh 4 bộ hồ sơ chứng cứ của 4 công ty phát hành 25 mã trái phiếu khống, nhằm vơ vét “xương máu, mồ hôi” của hơn 35.000 khổ chủ. Tôi gửi 4 bộ hồ sơ đó cho từng trái chủ, để họ bổ sung hồ sơ của mình mà kêu cứu tới công an theo kêu gọi của cơ quan chức năng.
Tất cả chứng lý đó còn được tôi đem đặt lên bàn nhiều luật sư trên cả nước. Họ đã nhiệt tình nghiên cứu, mỗi người đưa ra một góc nhìn khác nhau về cùng một vụ việc, tư vấn miễn phí cho hàng chục ngàn khổ chủ về cách đòi quyền lợi chính đáng của mình theo quy định pháp luật.
Dồn hết tâm, trí, lực, kể cả lúc ăn, khi đi đường, thậm chí trước cả lúc giấc ngủ ập tới trong suốt nhiều tháng trời, nên khi “hạ bút” viết, tôi gục xuống bởi cơn đau nhói ở lưng, phải đeo đai lưng cột sống bó chặt lấy thân, để đỡ đau và ngồi cân nhắc từng con chữ trên bàn phím.
Đó là chưa nói, suốt 1 năm trời, trên Facebook cá nhân, hay trên group liên quan đến trái phiếu, tôi nói như “năn nỉ” các trái chủ rằng, hãy tới cơ quan công an để xác nhận tư cách bị hại.
Nghiên cứu hồ sơ vụ Vạn Thịnh Phát |
Ức nghẹn rồi xót xa…
Giờ này, kết luận điều tra đã được công bố, tức là thời hạn đã hết, vẫn còn tới hơn 10.000 người chưa được xác định tư cách bị hại. Nghĩa là hơn 10.000 khổ chủ đó sẽ không nhận được bồi thường thiệt hại và từ công an tới viện kiểm sát, tòa án không thể làm trái quy định này của pháp luật.
Ngày tôi công bố tin đó trên Báo Đầu tư, tới nửa đêm, tôi nhận được điện thoại của trái chủ khóc tức tưởi: “Tôi chót nghe lời khuyên trên group rằng không ‘dại’ gì khai báo theo mẫu của công an bởi khả năng đó là ‘bẫy’. Có người còn xưng luật sư bảo chỉ cần gặp họ, gửi hồ sơ là họ giúp lấy lại tiền, không cần tới công an. Giờ làm sao lấy lại được tiền, chú ơi…!”.
Nghe mà ức nghẹn, bởi công sức cả năm trời của tôi và các luật sư trở thành công cốc. Trái chủ đến tận cơ quan kêu cứu, nhưng phút cuối lại tin… những thành phần bí ẩn trên thế giới ảo. Sau ức nghẹn, cảm giác xót xa ập tới. Tôi hiểu rằng, bởi họ thiếu kiến thức pháp lý, bởi họ lâm cảnh “sắp chết đuối”, nên…
Trong khi đó, lừa đảo trên mạng đã đến tận cùng tinh vi khi cài “bẫy trong bẫy”. Tội phạm mạng nhắm vào các điểm yếu nhất của con người là sự tiếc của, tuyệt vọng và thiếu hiểu biết, để tạo ra một vòng lặp khiến nạn nhân của một vụ lừa đảo có thể trở thành mục tiêu của các vụ lừa đảo tiếp theo.
Rồi tôi bất ngờ nhận được điện thoại của một trái chủ hỏi: “Mã trái phiếu Công ty Sunny World có 24 trái chủ, mà cuối cùng chỉ có 6 bị hại. Vậy 18 người còn lại không được xem xét trả lại tiền hả anh?”. Tôi đã sẵng giọng: “Không chỉ 12 người đó, mà hơn 10.000 người không được xác định bị hại, không nhận được bồi thường”.
Tôi phát cáu bởi đó là một trái chủ chuyên nghiệp, rành luật và quy định liên quan trái phiếu. Nhưng lắng lại sau cảm xúc bột phát đó, tôi chợt nhận ra, kể cả trái chủ chuyên nghiệp cũng không hẳn đã trang bị cho mình pháp luật về hình sự, dân sự.
Theo một luật sư dẫn lời Reed Dickerson – giáo sư luật huyền thoại người Mỹ, thì “mơ hồ là căn bệnh trầm kha của ngôn ngữ pháp luật”. Tức là vì tính bao quát của nó, đôi khi một văn bản pháp luật tạo ra nhiều cách hiểu, gây ra sự mơ hồ. Đó là chưa nói ngôn ngữ trong văn bản pháp luật liệu đã thực sự gần gũi để giúp việc phổ biến pháp luật đạt hiệu quả?.
Hãy cảm ơn công an!
Sau mỗi bài viết về trái phiếu Vạn Thịnh Phát của tôi đăng trên Báo điện tử Đầu tư (baodautu.vn), hay bất cứ “tút” nào trên Facebook cá nhân, tôi đều nhận được lời cảm ơn từ hàng ngàn khổ chủ. Rồi nhiều người chat riêng uất ức, hờn trách rằng, nếu công an không bắt Trương Mỹ Lan, thì họ vẫn nhận được tiền trái phiếu, không lâm cảnh khốn khổ mịt mù. Trên các group “cõi mạng” liên quan trái phiếu, tôi cũng đọc được nhiều “tút” uất ức như vậy.
Tôi lại “phát cáu”, bởi sự không sòng phẳng trong tư duy, hoặc hạn chế trong hiểu biết pháp luật liên quan. Tôi viết “tút” rằng, lời cảm ơn hãy dành cho công an. Thực tế, Trương Mỹ Lan đã lợi dụng kẽ hở pháp luật để ủ mưu từ hơn 10 năm trước, rồi biến SCB thành của riêng, bắt tay với công ty kiểm toán, lập cả ngàn công ty “ma”, hình thành “nhóm trái chủ sơ cấp giả”, “nhóm công ty đối tác ảo” hình thành dây chuyền lừa đảo tín dụng khép kín, tinh vi, nhằm chiếm đoạt tiền để mua bất động sản hoặc tẩu tán ra nước ngoài… Tóm lại, tất cả đều là giả, kể cả cuộc mua bán trái phiếu sơ cấp cũng giả, tiền mua bán sơ cấp cũng… ảo.
Chỉ ở giai đoạn 1 Vạn Thịnh Phát, đại án liên quan tín dụng lớn và phức tạp tới mức hồ sơ vụ án nặng hơn 6 tấn với gần 1 triệu bút lục, phải đựng trong 104 rương và phải chở bằng xe tải chuyên dụng đến tòa. Tòa án TP.HCM phải chuẩn bị một phòng riêng để chứa hồ sơ.
Cũng giai đoạn 1 đại án, Trương Mỹ Lan rút ruột SCB hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 10% GDP Việt Nam năm 2023 (hơn 10 triệu tỷ đồng); gây thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần thu ngân sách năm 2023 của TP.HCM (446.000 tỷ đồng) và gấp gấn 1,7 lần thu ngân sách năm 2023 của Hà Nội (400.000 tỷ đồng); chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng, lớn nhất từ trước đến nay, tương đương tổng tài sản của 5 người giàu nhất Việt Nam.
Ở giai đoạn 2 của đại án, Trương Mỹ Lan rửa số tiền hơn 445.000 tỷ đồng, lớn gần bằng thu ngân sách năm 2023 của TP.HCM, gấp 4,5 lần thu ngân sách của Hải Phòng. Tổng tiền vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 106.000 tỷ đồng, lớn hơn thu ngân sách năm 2023 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gấp đôi thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh, gấp 3 lần thu ngân sách của Hưng Yên.
Vì vậy, nếu công an không bắt, không kịp chặn, thì còn bao nhiêu người nữa bị lừa kiểu domino. Nếu công an không bắt, không kịp phong tỏa tài khoản, tài sản liên quan, thì làm gì còn điều kiện để bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Vậy có nên sòng phẳng dành lời cảm ơn cho công an?!