Lâm Đồng công bố Quy hoạch tỉnh, doanh nghiệp đăng ký đầu tư hơn 125.000 tỷ đồng
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (thứ hai, từ trái sang) trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông (ngoài cùng, bên phải) tặng hoa chức mừng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. |
Ngày 23/6, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á.
Tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo; tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/người. Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối, tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực; xây dựng hệ thống đô thị bền vững; hình thành các tổ hợp về du lịch, dịch vụ và công nghiệp; phát triển du lịch chất lượng cao, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng…
Tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống là mục tiêu hướng đến vào năm 2050.
Ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định, tỉnh Lâm Đồng sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép để các doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án đầu trên địa bàn tỉnh và phát triển thịnh vượng.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trao chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư cho các nhà đầu tư. |
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, ngoài những tiềm năng đã được định vị, Lâm Đồng hiện nay có những tiềm năng mới như Cảng hàng không quốc tế Liên Khương (công bố sáng cùng ngày), các tuyến cao tốc kết nối tỉnh Lâm Đồng với các địa phương lân cận; nông nghiệp công nghệ cao…
Bây giờ Lâm Đồng có Tổ hợp Bauxite của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, cộng với phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu, Lâm Đồng có quyền hy vọng sự phát triển tích cực của ngành công nghiệp trong thời gian tới.
Phó thủ tướng mong muốn lãnh đạo và cán bộ của tỉnh Lâm Đồng lưu ý đến văn hoá ứng xử với nhà đầu tư. Nhà đầu tư nhiều khi đầu tư không chỉ bằng tiềm năng mà còn xem thái độ ứng xử của lãnh đạo tỉnh với nhà đầu tư như thế nào; có chia sẻ, có đồng hành, có chung lưng đấu cật, có dám quyết định không. Phó thủ tướng cam kết đồng hành cùng Lâm Đồng, cùng chính quyền, nhân dân và nhà đầu tư.
Về quy hoạch, Phó thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần ghi nhớ 8 chữ: Tuân thủ; Linh hoạt; Đồng bộ và Thấu hiểu. Trong đó, tuân thủ là để đảm bảo đúng hướng, không chệch hướng, đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng này trong tương lai.
Linh hoạt là cần linh hoạt trong cách làm. Bởi theo Phó thủ tướng, để đạt được mục tiêu có nhiều cách. Ngay cả những mục tiêu không có giá trị cốt lõi thì tỉnh cũng hoàn toàn có thể được quyền đề nghị điều chỉnh, bởi vì câu chuyện của ngày mai nói đã khó, còn đây là câu chuyện của 6 năm sau và tầm nhìn đến 26 năm sau, chắc chắn sẽ có nhiều cái khác.
Sự đồng bộ, theo Phó thủ tướng, ngoài quy hoạch của ngày hôm nay thì tỉnh còn phải dựa theo nhiều quy hoạch khác nữa như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch nhỏ hơn…
Vì vậy, nếu không có sự đồng bộ thì tỉnh sẽ không làm được gì cả và lãnh đạo cũng không biết phương hướng vào để và điều hành.
Thấu hiểu là những người có trách nhiệm phải thấu hiểu để làm, người dân và doanh nghiệp cũng cần thấu hiểu để đồng hành với chính quyền. Có như vậy quy hoạch mới được thực hiện thành công.
Phát biểu đáp từ, ông Nguyễn Thái Học, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết sẽ giám sát thực hiện quy hoạch thông qua tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 chỉ là bước đầu, còn nhiều việc phải tiếp tục suy nghĩ và hành động với tư duy đổi mới và quyết tâm cao, biến những ý tưởng quy hoạch thành hiện thực, biến ước mơ thành hành động, để nội dung quy hoạch trên trang giấy và những hình ảnh tươi đẹp trên video clip đi vào cuộc sống.
“Chúng tôi cam kết, tỉnh Lâm Đồng sẽ luôn đồng hành, hợp tác cùng các doanh nghiệp, tạo lập một môi trường kinh doanh công bằng và hiệu quả”, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh.
Lâm Đồng kêu gọi thu hút ưu tiên đầu tư 227 dự án
Các dự án tỉnh Lâm Đồng đang kêu gọi thu hút ưu tiên đầu tư thời gian tới gồm 227 dự án, bao gồm các lĩnh vực: Giao thông vận tải (36 dự án); công nghiệp (11 dự án); văn hóa, thể thao và du lịch (34 dự án); y tế (36 dự án), giáo dục và đào tạo (6 dự án); thương mại, dịch vụ (20 dự án); khu dân cư, khu đô thị (62 dự án); phát triển nông nghiệp (12 dự án); bảo vệ môi trường (3 dự án); khai thác khoáng sản (4 dự án); khối hành chính (3 dự án).
Một số dự án trọng tâm, trọng điểm: Khu du lịch quốc gia Đankia – Suối vàng; cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc; Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương; Cao tốc Nha Trang Liên Khương (CT.25); Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D thành cấp 4E; Tổ hợp nhà máy tuyển bauxite và chế biến Alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt; Khu đô thị Liên Khương Prenn; Khu đô thị phía Đông Đà Lạt; Khu đô thị phía Tây Đà Lạt; Khu công nghiệp Phú Bình; Cảng cạn tại huyện Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc…
Tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ đầu tư cho 12 nhà đầu tư là các tập đoàn, công ty. Tổng vốn các doanh nghiệp công bố sẽ đầu tư vào Lâm Đồng là khoảng hơn 125.000 tỷ đồng.