1. Home
  2. Doanh nghiệp - Thương hiệu
  3. Công ty Tập đoàn Đèo Cả kiên định với nghề cốt lõi – hạ tầng giao thông
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

Công ty Tập đoàn Đèo Cả kiên định với nghề cốt lõi – hạ tầng giao thông

Với các dự án trong lĩnh vực hạ tầng đường bộ, đường sắt hiện đang triển khai, nguồn công việc của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả từ nay đến hết 2026 được đảm bảo.

Năm 2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả phấn đấu đạt doanh thu hợp nhất 8.956 tỷ đồng, tăng 35,25% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 733 tỷ đồng, tăng 14,17% so với cùng kỳ.
Năm 2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả phấn đấu đạt doanh thu hợp nhất 8.956 tỷ đồng, tăng 35,25% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 733 tỷ đồng, tăng 14,17% so với cùng kỳ.

Ngày 26/6, tại TP.HCM, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 để thông qua kết quả SXKD năm 2023 và kế hoạch SXKD năm 2024 cùng một số nội dung quan trọng khác.

Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh

Theo Báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập xác nhận, trong năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận các chỉ số tích cực với doanh thu hợp nhất đạt 6.622 tỷ đồng, tăng 50,5% so với năm 2022.

Trong đó, doanh thu dịch vụ và xây lắp đạt 6.358 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt 264 tỷ đồng, tăng lần lượt là 51,96% và 22,22% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 642 tỷ đồng, tăng 53,22% so với năm 2022.

Về hoạt động đầu tư, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vừa hoàn thành Dự án PPP cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo với tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng, đưa vào vận hành cuối tháng 4/2024. Hai dự án cao tốc là Đồng Đăng – Trà Lĩnh (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ và Hữu Nghị – Chi Lăng có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh nhà đầu tư đã khởi công.

Đối với hoạt động thi công xây lắp, năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành đúng hẹn nhiều dự án, gói thầu như hầm Thung Thi trên cao tốc Mai Sơn – Quốc Lộ 45, hầm Trường Vinh trên cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, mở rộng đường đèo Prenn, … với tổng giá trị tham gia hơn 6.100 tỷ đồng.

Trả lời cổ đông về khả năng duy trì tăng trưởng giai đoạn 3 – 5 năm tới, ông Khương Văn Cương – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, với các dự án hiện đang triển khai, nguồn công việc cho Đèo Cả từ nay đến hết 2026 được đảm bảo. Bên cạnh đó, Đèo Cả cũng đang nghiên cứu tham gia đầu tư nhiều dự án đường cao tốc, nghiên cứu các lĩnh vực, công nghệ mới về thi công, quản lý vận hành các tuyến đường sắt, metro, cầu dây văng, đón đầu xu thế để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định và tạo ra sự phát triển bền vững.

Hiện Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đang quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt cho gần 410km đường cao tốc và quốc lộ, hơn 30km hầm đường bộ và quản lý 18 trạm thu phí BOT trên cả nước.

Năm 2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả phấn đấu đạt doanh thu hợp nhất 8.956 tỷ đồng, tăng 35,25% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 733 tỷ đồng, tăng 14,17% so với cùng kỳ.

Trên thực tế, ngay trong quý I/2024, doanh thu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 121,52% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, tăng trưởng 39,67% so với quý I/2023.

Kiên định chiến lược tăng trưởng tập trung

Trong năm 2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án Tân Phú – Bảo Lộc, TP. HCM – Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, TP. HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận (giai đoạn 2)… với tổng mức đầu tư gần 80.000 tỷ đồng, và Dự án đường sắt Việt – Lào đoạn Vũng Áng – Mụ Giạ, giá trị hơn 47.600 tỷ đồng.

Đối với hoạt động thi công, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục thực hiện khối lượng công việc lớn tại các dự án như cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Chí Thạnh – Vân Phong, Tuyên Quang – Hà Giang, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hoà, Vành đai 3 TP. HCM, nút giao Tân Vạn, 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hầm đường sắt Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM… với tổng giá trị thực hiện gần 35.000 tỷ đồng.

Khi được đặt vấn đề Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả có giải pháp gì để ứng phó với tình hình khan hiếm, biến động giá vật liệu, ông Nguyễn Tấn Đông – Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, hiện nay đa số dự án hạ tầng giao thông đang triển khai trên cả nước nói chung đều bị tác động bởi nguồn vật liệu khan hiếm và biến động của giá vật liệu.

Về phía Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã đưa ra một số giải pháp căn cơ như tận dụng lượng đất đá từ việc đào hầm, đặt hàng và ký hợp đồng bình ổn giá với các đối tác là nhà cung cấp, đồng thời làm việc với chủ đầu tư để giảm tác động đến hoạt động đầu tư, thi công.

Để đảm bảo hiệu quả thực hiện các dự án, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực, tài chính và máy móc thiết bị, đồng thời áp dụng các công cụ quản trị điều hành, kiểm tra giám sát, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quá trình quản lý dự án, thi công và quản lý vận hành.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã sáng tạo, sử dụng mô hình PPP++ để đa dạng các nguồn vốn tham gia đầu tư các dự án nhằm tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Về nguồn nhân lực, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, lực lượng nhân sự của đơn vị được đào tạo bài bản, liên tục và có nhiều kinh nghiệm thực chiến tại các công trình giao thông lớn, phức tạp, có tính chất đặc thù… Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả luôn chủ động đào tạo nhiều cấp bậc, đa lĩnh vực cho toàn hệ thống, hoạch định và đầu tư cho nguồn nhân lực tương lai, hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề… để phát triển nhân lực một cách toàn diện.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cũng tiên phong chuyển đổi số từ bước khảo sát thiết kế đến thi công, quản lý vận hành thông qua mô hình BIM, quản lý nhân sự, thiết bị, hợp đồng bằng phần mềm. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công nghệ, chủ động hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp lớn ở Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, … để tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực đường sắt, metro, cầu dây võng, cầu dây văng… nhằm đón đầu cho các dự án sẽ được đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới, sẵn sàng cho chiến lược vươn tầm quốc tế.

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar