- Home
- Doanh nghiệp - Thương hiệu
- Hải quan TP.HCM đề nghị doanh nghiệp để lại thông tin liên lạc khi gửi thắc mắc
Hải quan TP.HCM đề nghị doanh nghiệp để lại thông tin liên lạc khi gửi thắc mắc
Ngày 26/6, Cục Hải quan TP.HCM tổ chức Hội nghị “Đối thoại giữa Hải quan – Doanh nghiệp” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, đại diện Cục hải quan TP.HCM giới thiệu văn bản mới, các quy định mới trong nhiều lĩnh vực như: thuế xuất nhập khẩu, chống buôn lậu, vi phạm. Đồng thời, cảnh báo thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, lỗi thường gặp khi thực hiện thủ tục hải quan… Bên cạnh đó cũng giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại diện cơ quan Hải quan khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động trao đổi để tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền lợi của mình. (Ảnh: Việt Dũng) |
Đơn cử, Công ty TNHH xuất nhập khẩu ABZ có câu hỏi rằng: “Trường hợp hàng hóa xuất khẩu bị lỗi trả về sửa chữa nhưng khách hàng ở đầu nước ngoài không muốn nhận hàng nữa. Vậy doanh nghiệp cần chuyển sang mã loại hình nào và có phải nộp thuế hay không?”
Trả lời nội dung này, ông Vương Tuấn Nam, Trưởng phòng giám sát quản lý – Cục Hải quan TP.HCM cho biết, hàng bị trả về được xác định mã loại hình là G13, quy định trong Quyết định 1357/QĐ-TCHQ. Đối với trường hợp này, doanh nghiệp phải chuyển tiêu thụ nội địa trước khi thực hiện hoạt động khác. Khi đó, phải áp dụng chính sách mặt hàng tính thuế nếu như việc đó chưa được thực hiện tại thời điểm nhập khẩu.
Ông Vương Tuấn Nam cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, cơ quan Hải quan nhận được rất nhiều câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục và chinh sách. Trong quá trình doanh nghiệp tiến hành thủ tục hải quan ở các chi cục cũng gặp một vài vướng mắc. Song, trên tinh thần đối thoại và đồng hành, Cục hải quan sẵn sàng tháo gỡ.
Tuy nhiên, để cơ quan Hải quan có cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị khi doanh nghiệp có văn bản hỏi thì cần để lại thông tin liên lạc. Ít nhất là số điện thoại hoặc địa chỉ email của người đại diện liên lạc. Từ đó cơ quan Hải quan mới có cơ sở để làm rõ thêm các thông tin nếu cần, hoặc trao đổi để biết cụ thể vấn đề như thế nào… từ đó mới có hướng trả lời, tháo gỡ.
“Cơ quan Hải quan thiếu thông tin thì sẽ dẫn tới thời gian xử lý kéo dài. Chưa kể, cơ quan sẽ đưa ra những câu trả lời không phù hợp với thực tế”, ông Nam nói.
Đại diện Cục hải quan TP.HCM cho biết thêm, trong quá trình giải quyết thủ tục tại các chi cục, nếu doanh nghiệp gặp vướng mắc thì cần nhanh chóng liên lạc với cán bộ, công chức thụ lý hồ sơ để có sự trao đổi. Nếu không đạt được sự đồng thuận thì liên hệ với cán bộ ở đội, các chi cục, hoặc đặt lịch làm việc với lãnh đạo chi cục phụ trách.. để có hướng tháo gỡ.
“Trường hợp các doanh nghiệp đã thực hiện các phương án như trên mà chưa giải quyết được thì có thể gửi văn bản, hoặc trực tiếp lên gặp phòng tham mưu chức năng tại trụ sở chính của Cục hải quan TP.HCM, để chúng tôi có hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải chủ động để bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Nam chia sẻ.
Thông tin trước đó về việc chống buôn lậu và xử lý vi phạm, ông Nguyễn Văn Thiềm, Phó phòng xử lý vi phạm – Cục hải quan TP.HCM cho biết, Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan Hải quan đã xử lý 918 vụ vi phạm với tổng trị giá hàng vi phạm ước tỉnh 2.206 tỷ đồng, phạt tiền hơn 17 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan Hải quan khởi tố 1 vụ, chuyển cơ quan Công an 27 vụ. Trong đó có 9 vụ liên quan đến ma tuý các loại.
Những hành vi vi phạm pháp luật về Hải quan hay xảy ra là nhập khẩu hàng hóa vi phạm chính sách quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu. Khai sai tên hàng, số lượng, trọng lượng, xuất xứ, chủng loại. Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hoá nhập khẩu. Nhập khẩu hàng hoá xâm phạm sở hữu trí tuệ, không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường…
Để tránh các vi phạm thường xảy ra nêu trên, cơ quan Hải quan khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp sử dụng quyền của người khai hải quan theo quy định tại Điều 18, Điều 28 Luật Hải quan (được hướng dẫn làm thủ tục hải quan, xem trước hàng hóa, được yêu cầu xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan…).
Doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt, cập nhật các quy định pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động xuất nhập khẩu để hiểu quy định pháp luật, tự giác chấp hành. Khi có vụ việc xảy ra cần tích cực hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý những vấn đề có liên quan.
Khi đàm phán, ký kết hợp đồng ngoại thương, cần lưu ý những thỏa thuận cụ thể, rõ ràng về điều khoản của hợp đồng, về đối tượng hợp đồng, về quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng,… để tránh hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam vi phạm chính sách.
Ngoài ra, cần xác định cụ thể các chi tiết, công dụng, mã ký hiệu,… để phục vụ cho việc khai báo hải quan chính xác và giải trình lỗi của doanh nghiệp nếu có sau này.
Các đơn vị hải quan cần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người khai hải quan bằng các hình thức khác nhau như: bằng văn bản, qua điện thoại, qua báo chí, tổ chức đối thoại…