1. Home
  2. Thời sự
  3. Thiếu tầm nhìn quy hoạch, có khu đô thị chỉ để bán đất, thu tiền
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

Thiếu tầm nhìn quy hoạch, có khu đô thị chỉ để bán đất, thu tiền

Sáng 28/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV – tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Quy hoạch đô thị không phải chỉ để bán đất

Phát biểu trong phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đặt yêu cầu, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn phải tạo ra được những khu đô thị phát triển bền vững.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phát biểu trong phiên làm việc sáng 28/6 tại Hội trường

“Một phương án quy hoạch chỉ phát triển bền vững khi việc triển khai thực hiện tạo ra được cái giá trị gia tăng trong tương lai”, đại biểu Cường làm rõ ý kiến.

Thực tế, nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư thực hiện các phương án quy hoạch với kỳ vọng hưởng lợi từ giá trị gia tăng trong tương lai. Các giá trị gia tăng cũng là cơ sở tạo sức hút, kéo người dân đến sinh sống, tạo thêm các việc làm, tạo ra dịch vụ tại chỗ. Những điều này là cơ sở tạo nên một khu vực ngày càng phát triển và phát triển một cách bền vững.

Tuy nhiên, đại biểu Cường nói, có rất nhiều khu đô thị được quy hoạch tràn lan nhà thấp tầng, diện tích hàng trăm hecta, nhưng quy mô dân số rất nhỏ, không đủ quy mô thị trường để phát triển các dịch vụ. “Không có dịch vụ thì người dân không đến sống. Các nhà đầu tư sẽ không đầu tư dài hạn vào đấy. Như vậy, quy hoạch này chỉ giải quyết được mục tiêu trước mắt là bán đất đô thị thu tiền và sau đấy thì không phát triển được”, ông Cường thẳng thắn nhắc đến những ví dụ đang xảy ra trên thực tế.

Trên cơ sở các phân tích này, ông đề nghị phải luật hóa các phương án quy hoạch đô thị dựa trên cơ sở đánh giá, so sánh chi phí trước mắt, lợi ích trong tương lai của phương án, đặc biệt là so sánh giữa chi phí, lợi ích trong việc sử dụng đất.

Ông đề nghị phải quy định cụ thể các nội dung quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông TOD, cụ thể kế hoạch thu hút các nhà đầu tư, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng, tránh tình trạng như hiện nay là các dự án đô thị được đầu tư trước, sau đó tạo ra những bức bách hạ tầng buộc Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư. “Trường hợp này, Nhà nước vừa khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, vừa mất tiền đầu tư mà người thường lợi lại là chủ đầu tư dự án”, đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu.

Quy hoạch mới hạn chế tối đa ảnh hưởng tới các dự án đang triển khai

Trong phiên thảo luận sáng nay tại Hội trường, phần lớn các đại biểu đồng thuận với việc xây dựng luật chung cho quy hoạch độ thị và quy hoạch nông thôn. Hiện tại, quy hoạch đô thị thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị, còn quy hoạch nông thôn lại được điều chỉnh theo Luật Xây dựng.

Các đại biểu cũng cho rằng, đây là cơ hội để nhìn lại tổng thể các quy hoạch có liên quan đến đô thị và nông thôn, từ đó xây dựng một hệ thống quy hoạch đồng bộ, logic, mang tính tầng bậc, làm tiền đề, căn cứ để thực hiện các quy hoạch cấp dưới, đồng thời cụ thể hóa được các quy hoạch cấp trên… Quy hoạch cần thể hiện được tính tích hợp để vừa bao quát hết các đối tượng cần quy hoạch, nhưng không bị trùng lặp, chồng chéo giữa các quy hoạch với nhau.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau)

Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đặt yêu cầu khi lập điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn phải đảm bảo tính kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các dự án đầu tư đang triển khai và nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp với khu vực dân cư hiện hữu hợp pháp đã ổn định

Đại biểu đề nghị nên định nghĩa thế nào là dự án đầu tư đang triển khai và nghiên cứu, có phải chỉ cần có chủ trương cho phép nghiên cứu là phải hạn chế tối đa ảnh hưởng; như thế nào là hạn chế tối đa ảnh hưởng…

“Nếu không cụ thể sẽ dẫn đến quy hoạch mang tính chất cộng dồn các dự án mà không có sự đồng bộ và định hướng phát triển kinh tế – xã hội, không gian kiến trúc, cảnh quan, dễ dẫn đến mất tính hiệu quả của công cụ quy hoạch trong quản lý nhà nước; cũng dễ dẫn đến vướng mắc giữa các chủ thể có liên quan”, đại biểu Thanh phát biểu.

Tại Điều 14 về căn cứ lập quy hoạch và đô thị nông thôn, đại biểu cho rằng khoản 1 và khoản 2 của Điều 14 có sự trùng lặp. Bởi quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; đồng thời nội dung khoản 2 là quy định về các nội dung của quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn không phù hợp với quy định về căn cứ lập quy hoạch.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm căn cứ về quy hoạch chấp thuận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư với quy hoạch chi tiết để lập dự án đầu tư xây dựng các dự án thuộc trường hợp phải được chấp nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo pháp luật đầu tư.

Đây cũng là lý do đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) để nghị làm rõ một số từ ngữ. Theo Dự thảo Luật, định nghĩa đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai hoặc mở rộng để thành lập thành phố, thị xã, thị trấn mới theo định hướng quy hoạch. Tuy nhiên, đại biểu Mai cho rằng, nếu xét về ngữ nghĩa để áp dụng chính sách, pháp luật sau này thì chưa đủ tính chất bao hàm và dễ gây hiểu lầm. Bởi đô thị mới không chỉ là đô thị dự kiến được hình thành mà trên thực tế, những khu đô thị đã được hình thành, hoàn chỉnh với thời gian ngắn thì theo cách thông thường, phổ biến, người dân vẫn gọi là đô thị mới, thành phố trẻ…

“Như vậy, cần có sự nghiên cứu sâu để xác định lại hoặc phân tích, lưu ý riêng về những cách hiểu này”, đại biểu yêu cầu.

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar