1. Home
  2. Thời sự
  3. Làm rõ tiêu chí quyết định đấu giá hay không đấu giá các mỏ khoáng sản
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

Làm rõ tiêu chí quyết định đấu giá hay không đấu giá các mỏ khoáng sản

Chưa nhìn thấy nhiều sự thay đổi liên quan đến các quy định về đấu giá, định giá quyền khai thác khoáng sản trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Chính phủ trình Quốc hội khiến nhiều đại biểu lo ngại.

Không đấu giá vì quá quan trọng hay vì không quan trọng?

Vừa giành quyền tranh luận, vừa đăng ký phát biểu trong phiên thảo luận chiều nay, 28/6, tại hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) vẫn chưa cảm thấy an tâm với quy định về đấu giá và không đấu giá trong Dự thảo. Đây cũng là nội dung nhiều chuyên gia lên tiếng vì cho rằng tỷ lệ xin – cho rất cao, ông nói trong phát biểu tại Quốc hội. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM)

“Vì tôi thấy Điều 104 chúng ta nói đấu giá và không đấu giá, ví dụ khoáng sản năng lượng, khoáng sản phóng xạ… và ở khoản 2 điểm d thì trường hợp khác do Thủ tướng quyết định, song điểm e là trường hợp quy định tại khoản 5, khoản 5 lại là Chính phủ quy định chi tiết điều này”, ông dẫn chứng lý do.

Cụ thể, ông Nghĩa nói, đấu giá chủ yếu chúng ta đánh vào trị giá thương mại và đánh vào nguồn thu, còn không đấu giá mang ý nghĩa chiến lược và nó có thể rất hệ trọng, nhưng chúng ta không thể đem ra thương mại hóa và cho đấu giá tự do được. Vì vậy, việc không đấu giá và ấn định một thuế tài nguyên do chính sách về an ninh, quốc phòng hay về chiến lược có thể ấn định nó ở mức khác.

“Hai vấn đề này tôi đề nghị phải xác định tiêu chí, chứ không đấu giá là nó không có ý nghĩa về mặt thương mại. Tôi nói ví dụ, mình nói đất hiếm hay vừa rồi chúng ta dẫn chứng bô-xít ở các quốc gia khác mức đấu giá khởi điểm người ta cao hơn chúng ta rất nhiều, mà chúng ta lại lấy mức giấy cấp phép tài nguyên cực kỳ thấp, có không phẩy mấy đô, trong khi ở các nước Ấn Độ, Trung Quốc… hay ở Mỹ cao hơn. Tôi đề nghị đấu giá hay không đấu giá thì cần phải có thêm một số tiêu chí và đọc lên để thấy rõ chuyện không đấu giá, tức là quyết định cơ chế xin – cho thì nó có ý nghĩa chiến lược quan trọng, hay vì nó quá không quan trọng cho nên chúng ta không tổ chức đấu giá, chỗ này tôi đọc không thấy nói rõ”, đại biểu Nghĩa đề nghị.

Đây cũng là nội dung đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) tập trung phát biểu.

Nhắc lại báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nhắc đến tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá rất thấp. Đây là điều ông lo ngại khi chưa nhìn thấy nhiều sự thay đổi trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Chính phủ trình Quốc hội.

“Trả lời chất vấn của tôi ngày 4/6, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết tỷ lệ đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản thấp là vì Bộ thực hiện đúng theo Nghị định 158 năm 2016, theo đó đã quy định 7 trường hợp không đấu giá và Bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện tối đa việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản”, đại biểu Hậu nhắc lại khi phát biểu tại Quốc hội trong phiên thảo luận chiều 28/6.

Vấn đề là, theo đại biểu Hậu, Điều 104 dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã lấy lại 3/7 nội dung của Nghị định 158, dù có quy định rộng hơn và khái quát hơn, đồng thời giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và quyết định.

“Chúng tôi chưa biết Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định và quyết định như thế nào, nhưng nếu không có sự thay đổi căn bản các quy định tại Nghị định 158 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương sẽ khó chuyển mạnh sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc có hình thức thực hiện phù hợp khác nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản của quốc gia”, đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh.

Ông lấy ví dụ khi phân tích điểm b Điều 104 quy định khu vực không đấu giá quyền khai thác là khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản.

“Quy định như thế là đúng để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho dự án chế biến nhưng nếu chỉ quy định như thế thì chưa đủ. Theo tôi, quyền khai thác khoáng sản ở khu vực này cần được định giá phù hợp và đưa vào giá dự toán để tổ chức đấu thầu thực hiện dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp. Như vậy, dù là chúng ta không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhưng ngân sách nhà nước sẽ giảm bớt thất thoát”, đại biểu Hậu kiến nghị.

Định giá quyền khai thác khoáng sản khi đưa vào góp vốn

Liên quan đến quy định các khu vực khoáng sản đã được cấp giấy phép thăm dò hoặc giấy phép khai thác khoáng sản sẽ không phải đấu giá quyền khai thác theo quy định hiện hành, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng quy định như vậy là có lý, có tình, có trước, có sau, nhất là trong điều kiện thăm dò khoáng sản hết sức khó khăn trước đây.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh)

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh vào ngày 4/6, đại biểu Trần Hữu Hậu đã đặt câu hỏi về trường hợp các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã thăm dò xong có giấy phép khai thác, nhưng không được tự triển khai các dự án khai thác được do nhiều nguyên nhân thì có thể thực hiện việc đấu giá các mỏ này để huy động các nguồn lực xã hội vào khai thác không?

Khi đó, Bộ trưởng Khánh trả lời có thể đưa ra đấu giá khi xác định doanh nghiệp không thể thực hiện tổ chức khai thác.

“Chúng tôi cho rằng, trong thực tế với trường hợp này có rất nhiều tình huống cần được lưu ý và quy định chặt chẽ để tránh tiêu cực. Ví dụ, doanh nghiệp không tự triển khai các dự án khai thác nhưng có thể dùng quyền khai thác để liên doanh, liên kết, góp vốn đầu tư với doanh nghiệp khác để triển khai khai thác Theo tôi, đây là cách làm đúng, mở hướng cho doanh nghiệp và huy động được nguồn lực xã hội vào khai thác và chế biến khoáng sản, nhưng như vậy thì doanh nghiệp khác sẽ không cần đấu giá mà vẫn đương nhiên được khai thác. Với trường hợp này, một lần nữa tôi cho rằng, cần phải định giá quyền khai thác khoáng sản khi đưa vào góp vốn để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước”, đại biểu Hậu bảo lưu quan điểm.

Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc định giá tài sản và định giá quyền sử dụng đất để đưa vào góp vốn mặc dù đã có những quy định cụ thể nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm và không ít cán bộ các cấp bị kỷ luật, bị vào vòng lao lý. Do đó, việc định giá quyền khai thác khoáng sản là rất cần thiết nhưng khá phức tạp và cần được nghiên cứu và quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch trong luật phục vụ cho các hoạt động liên quan. Vì vậy, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản cần bổ sung một điều về định giá quyền khai thác khoáng sản.

Phát biểu giải trình trước Quốc hội trong phiên làm việc chiều 28/6, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh quan điểm sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia; đảm bảo được chiến lược về khoáng sản của quốc gia, an ninh về năng lượng quốc gia.

“Tôi rất thống nhất với các đại biểu là Nghị định 158 đưa ra 7 nội dung như vậy thì chúng ta sẽ rà soát lại, những nội dung nào đảm bảo vì lợi ích quốc gia, vì chiến lược như vậy, vì an ninh như vậy thì Chính phủ sẽ quy định. Nếu còn được nữa thì chúng ta tập trung để đấu giá, đảm bảo khai thác hiệu quả, sử dụng hiệu quả nhất và nguồn thu cao nhất. Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý ý kiến đại biểu Trương Trọng Nghĩa rằng mặc dù là Tập đoàn Nhà nước, mặc dù không đấu giá nhưng các cơ quan được giao nhiệm vụ khai thác mỏ, vẫn nộp tiền quyền khai thác, vẫn nộp thuế tài nguyên bình thường, có nghĩa rằng chúng ta đấu giá để đảm bảo rằng lựa chọn được năng lực, lựa chọn được công nghệ, chứ không phải mỗi tiền, mỗi kinh phí thì vấn đề này rất hợp lý”.

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar