1. Home
  2. Kinh doanh
  3. VN-Index tăng phiên thứ hai trên nền thanh khoản ảm đạm
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

VN-Index tăng phiên thứ hai trên nền thanh khoản ảm đạm

Sàn chứng khoán TP.HCM rơi vào trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng” khi VN-Index tăng gần 5 điểm so với tham chiếu nhưng số lượng cổ phiếu giảm lại nhiều hơn cổ phiếu tăng, còn thanh khoản thị trường xuống mức thấp nhất nửa tháng qua.

VN-Index hôm qua cắt chuỗi giảm mạnh, nhưng nhiều công ty chứng khoán vẫn thể hiện quan điểm thận trọng về khả năng tiếp tục hồi phục trong phiên 26/6. Một số chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên tận dụng những nhịp hồi phục để cơ cấu lại danh mục, bán những mã không còn động lực tăng trong bối cảnh tâm lý thị trường chưa vững và chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM có thể quay đầu giảm sâu.

Tuy nhiên, thực tế diễn biến phiên hôm nay không kém khả quan như dự đoán. VN-Index mở cửa trong trạng thái tương đối hưng phấn nhờ hàng loạt cổ phiếu giao dịch trên tham chiếu. Trước giờ nghỉ trưa, chỉ số xoay chiều và có thời điểm lùi sát về mốc 1.245 điểm. Lực cầu giải ngân ở vùng giá thấp xuất hiện trong phiên chiều giúp biên độ giảm được thu hẹp, dần chuyển sang sắc xanh trước khi đóng cửa với mức tăng gần 5 điểm, lên 1.261,24 điểm. 

VN-Index nối dài mạch đi lên phiên thứ hai liên tiếp, nhưng tín hiệu về mạch tăng bền vững không quá rõ ràng bởi sàn TP.HCM hôm nay rơi vào trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”. Cụ thể, chỉ số tăng nhưng số lượng cổ phiếu giảm lại trội hơn với 216 mã, trong khi cổ phiếu tăng chỉ 190 mã. Độ rộng rổ vốn hoá lớn cân bằng hơn khi cùng có 12 mã tăng và 12 mã giảm, còn 6 mã giữ nguyên tham chiếu. 

GVR là trường hợp đặc biệt của rổ VN30 trong phiên giữa tuần khi mã này chạm trần 35.950 đồng, dẫn đầu danh sách những cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index. Ngoài ra, trụ đỡ cho phiên hôm nay còn xuất hiện rải rác ở nhiều nhóm ngành. Ví dụ, BCM của nhóm bất động sản khu công nghiệp tăng 4,76% lên 66.000 đồng, FPT của nhóm công nghệ thông tin tăng 1,38% lên 131.800 đồng, PLX của nhóm dầu kh1i tăng 3,41% lên 42.400 đồng. 

Ở chiều ngược lại, trong danh sách 10 kìm đà tăng của thị trường có 4 đại diện thuộc nhóm ngân hàng. Cụ thể, VCB dẫn đầu khi giảm 0,35% xuống 85.200 đồng. Tiếp đến, CTG giảm 0,95% xuống 31.300 đồng, MBB giảm 0,44% xuống 22.500 đồng và OCB giảm 1,72% xuống 14.300 đồng. Hai trụ cột của nhóm thực phẩm là SAB và VNM cũng góp mặt trong danh sách này. Cụ thể, SAB mất 0,99% xuống 60.000 đồng và VNM mất 0,46% xuống 65.200 đồng.

Khối lượng giao dịch cả phiên đạt hơn 878 triệu cổ phiếu, tăng 43 triệu đơn vị so với phiên trước. Tuy nhiên, giá trị giao dịch lại giảm 734 tỷ đồng, xuống 20.812 tỷ đồng. Đây là phiên có giá trị thanh khoản thấp nhất trong hơn nửa tháng qua. 

FPT đứng đầu về giá trị giao dịch với hơn 932 tỷ đồng, tương ứng 7,1 triệu cổ phiếu. Các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng thanh khoản có sự cách biệt đáng kể so với vị trí dẫn đầu. Cụ thể, HPG ghi nhận giá trị giao dịch hơn 570 tỷ đồng (tương ứng 19,7 triệu cổ phiếu), VPB khoảng 514 tỷ đồng (tương ứng 27,2 triệu cổ phiếu) và MWG xấp xỉ 509 tỷ đồng (tương ứng 8,2 triệu cổ phiếu).

Khối ngoại tiếp tục kéo dài chuỗi bán ròng. Nhóm này bán ra hơn 117 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch hơn 3.252 tỷ đồng trong khi chỉ giải ngân gần 2.651 tỷ đồng để mua hơn 102 triệu cổ phiếu. Giá trị bán ròng theo đó đạt hơn 601 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn xả hàng quyết liệt cổ phiếu FPT với giá trị ròng hơn 250 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối ngoại tích cực giải ngân vào TCB khi giá trị mua ròng lên đến gần 80 tỷ đồng, sau đó lần lượt là DBC hơn 42 tỷ đồng, MSN xấp xỉ 37 tỷ đồng và PLX hơn 33 tỷ đồng.

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar