Theo tin từ Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), trong tháng 6 lượng khách quốc tế đạt hơn 1,2 triệu lượt, đưa tổng lượng khách quốc tế 6 tháng lên trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với 2,2 triệu lượt (chiếm 25,8%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,8 triệu lượt (chiếm 21,4%). Riêng 2 thị trường này đóng góp 47,2% tổng số khách quốc tế đến sau 6 tháng.
Tiếp theo là Đài Loan (630.000 lượt), Mỹ (415.000 lượt), Nhật Bản (336.000 lượt), Malaysia (254.000 lượt). Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Úc và Ấn Độ. 2 quốc gia này đã vươn lên vị trí thứ 7 và 8, xếp trên Campuchia và Thái Lan ở vị trí thứ 9 và10.
Về động lực tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 229,4% so với cùng kỳ năm 2023, Hàn Quốc (tăng 42,4%), Nhật Bản (tăng 39,2%), Đài Loan (tăng 95,5%).
Về mức độ phục hồi so với năm 2019, xét theo thị trường từ các khu vực, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế từ hầu hết các khu vực đã cao vượt so với cùng kỳ năm 2019, trong đó lượng khách từ châu Úc đạt mức 119% so với cùng kỳ năm 2019; châu Á đạt mức 106%, châu Mỹ đạt mức 103%. Châu Âu gần phục hồi hoàn toàn, đạt mức 92%.
Ở Nam Á, đáng chú ý, thị trường tiềm năng Ấn Độ tăng trưởng đột phá, đạt mức 312% so với trước dịch; tương tự là Campuchia đạt mức 396%. Bên cạnh đó, Indonesia đạt mức 177%, Lào đạt mức 140%, Philippines đạt mức 121%, Singapore đạt mức 118%. Thái Lan (92%) và Malaysia (85%) phục hồi ở mức thấp hơn.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực, cao hơn so với cùng kỳ trước dịch. Đáng mừng, 4 tháng đầu năm lượng khách đều đạt trên 1,5 triệu lượt. Các thị trường phần lớn đã phục hồi hoàn toàn và vượt mức năm 2019.
Thanh Dung