1. Home
  2. Kinh doanh
  3. GDP quý II vượt dự báo: “Liều thuốc tinh thần” cho thị trường chứng khoán sau nhịp chỉnh?
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

GDP quý II vượt dự báo: “Liều thuốc tinh thần” cho thị trường chứng khoán sau nhịp chỉnh?

Với sự xuất hiện của loạt thông tin hỗ trợ, nhất là số liệu tăng trường GDP đạt 6,93% vừa công bố, chuyên gia phân tích từ VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư xem xét giải ngân trở lại.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Con số trên chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024. GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh nhất với mức tăng trưởng 8,29% ở riêng ở quý II và 7,51% trong 6 tháng đầu năm.

Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá GDP tăng tích cực phản ánh xu hướng phục hồi của nền kinh tế, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.

GDP 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2020-2024 – Nguồn: GSO

Đánh giá về số liệu vĩ mô vừa được công bố, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Khối Phân tích VNDIRECT nhận định tăng trưởng GDP quý II vượt dự báo của thị trường với động lực tăng trưởng đáng chú ý từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. 

Với kết quả tích cực vừa công bố, ông Hinh cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt cận trên mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,5%. Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng lưu ý vẫn còn đó áp lực nhất định về lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 4,34% so với cùng kỳ, chỉ giảm nhẹ so với tháng trước đó và vẫn ở mức khá cao. Diễn biến lạm phát do vậy vẫn cần theo dõi chặt chẽ trong các tháng tới nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn đang nằm trong mục tiêu lạm phát đề ra cho năm 2024, ở mức từ 4 – 4,5 %.

Không riêng Việt Nam, thị trường chứng khoán toàn cầu cuối ngày thứ Sáu cũng cũng đón nhận thông tin tích cực từ nền kinh tế số một thế giới. Mỹ vừa công bố dữ liệu mới nhất về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Theo đó, PCE toàn phần đi ngang trong tháng 5 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đều sát với dự báo của thị trường. Trong khi đó, PCE lõi trong tháng 5 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và cũng tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đều đúng với dự báo của phố Wall và đánh dấu mức tăng theo năm thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2021.

Số liệu lạm phát mới công bố của Mỹ là thông tin thị trường mong đợi, củng cố cho kỳ vọng về việc Fed có thể cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2024. Theo FedWatch Tool của CME Group, các nhà giao dịch hiện đang nghiêng về kịch bản Fed hạ lãi suất sớm nhất vào cuộc họp tháng 9 tới và có 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Cùng với thông tin hỗ trợ từ yếu tố vĩ mô, thị trường bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II với nhiều dự báo cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp diễn. Số liệu ước tính do một số doanh nghiệp niêm yết công bố trong tuần gần đây cũng hé lộ kết quả khá tích cực.

Chuyên gia từ VNDirect cho rằng những thông tin hỗ trợ mới được công bố có thể là “liều thuốc tinh thần” với nhà đầu tư sau nhịp điều chỉnh khá mạnh thời gian qua. Chứng khoán Việt Nam diễn biến khá tiêu cực trong nửa tháng trở lại đây. Tính riêng trong tuần cuối cùng của tháng Sáu, chỉ số chứng khoán Việt Nam nằm trong top đầu giảm điểm trong các sàn chứng khoán toàn cầu, chỉ đứng sau Iceland.

VN-Index quay đầu giảm sau khi chạm mốc 1.300 điểm ngày 13/6

Sau khi vượt qua mốc 1.300 điểm – mức cao nhất trong hơn 2 năm qua vào ngày 13/6, VN-Index đã giảm khoảng 55 điểm từ ngưỡng tâm lý trên. Trong đó, có tới hai phiên vào 14/6 và 24/6, chỉ số sàn HoSE “bốc hơi” hơn 20 điểm.

Áp lực bán mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần (24/6) đã khiến chỉ số VN-Index xuống mức 1.254,1 điểm cùng thanh khoản tăng mạnh (hơn 27.500 tỷ đồng). Sau loạt diễn biến giằng co, VN-Index giảm 2,9% trong cả tuần, xuống mức 1.245,3 điểm khi kết tuần.

Theo ông Hinh, phiên đầu tuần tới sẽ là một phiên khá quan trọng khi chỉ số VN-Index xác nhận xem có thực sự đánh mất mốc tâm lý 1.250 điểm hay không.

“Nhà đầu tư nên ngừng bán tháo ở vùng này vì chúng tôi cho rằng nắm giữ cổ phiếu ở vùng này vẫn sẽ mang lại lợi nhuận khá tích cực trong vòng 3 tháng tới”, chuyên gia từ VNDirect cho hay. Đồng thời, ông Hinh cũng lưu ý nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn sàng giải ngân quyết liệt nếu chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 1.200-1.220 điểm, ưu tiên nhóm ngành chưa tăng mạnh trong thời gian vừa qua như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, điện và nhóm xuất khẩu. 

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar