VN-Index tăng hơn 7 điểm nhờ giao dịch tích cực nhiều cổ phiếu lớn
VN-Index kết phiên 2/7 ở mức 1269,79 điểm tăng 1,21%, khối lượng giao dịch tăng 8,86% so với phiên trước và bằng 60% mức trung bình. Nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi kết quả kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp sẽ được công bố sắp tới, nên sự thận trọng đã diễn ra trên toàn thị trường.
Bước sang phiên giao dịch ngày 3/7, thị trường tiếp tục đi lên nhờ lực đẩy của nhiều cổ phiếu lớn. Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường vẫn diễn ra thận trọng, lực cầu vẫn còn yếu và điều này phần nào cản trở đà hồi phục của thị trường chung.
Dù vậy, giao dịch diễn ra khởi sắc hơn vào phiên chiều khi lực cầu được đẩy lên cao trong khi lực cung không quá mạnh. Hàng loạt cổ phiếu lớn tăng giá mạnh và giúp VN-Index tiếp tục có một phiên hồi phục tốt, chỉ số đóng cửa vượt qua được M20 (đường trung bình 20 phiên).
Sự chú ý của nhà đầu tư tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong nhóm VN30, các mã như POW, BID, TCB, FPT, HDB… tăng giá tốt và có đóng góp quan trọng nhất trong việc giữ vững sắc xanh của VN-Index. BID tăng mạnh 3,17% và đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 2,01 điểm. FPT dù tiếp tục bị bán vào những giây cuối giờ nhưng đóng cửa vẫn tăng 2,34% và đóng góp 1,06 điểm. TCB và VCB tăng lần lượt 2,62% và 0,34%.
Nhóm phân bón, hóa chất cũng có được sự tích cực trong phiên này khi CSV bất ngờ tăng trần lên 29.400 đồng/cổ phiếu. Các mã như DPM, DCM, BFC… cũng đều tăng giá tốt. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý ở các cổ phiếu này là đà tăng mạnh chỉ thực sự diễn ra ở khoảng thời gian đầu phiên sau đó, lực bán mạnh khiến đà tăng bị thu hẹp lại.
Cổ phiếu ngân hàng đóng góp tích cực cho phiên tăng điểm ngày 3/7. |
Ở chiều ngược lại, VRE gây bất ngờ khi chịu áp lực bán rất mạnh và giảm 1,84%. Áp lực bán của VRE ở phiên hôm nay có sự đóng góp rất lớn từ khối ngoại. Cổ phiếu này khớp lệnh tổng cộng hơn 34 triệu đơn vị nhưng bị khối ngoại bán ra đến gần 20 triệu đơn vị và toàn bộ thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn. VRE đã lấy đi của VN-Index 0,22 điểm.
Bên cạnh đó, các mã như HVN, VIC, MWG hay BVH cũng giảm giá và tác động xấu đến sự phục hồi của VN-Index. HVN giảm 1,44% và là cổ phiếu có đóng góp xấu đến đến VN-Index với 0,27 điểm.
Nhóm chứng khoán sau một vài phiên hồi phục cũng có sự điều chỉnh trở lại, trong đó, những cái tên như CTS, VDS, BVS… đều chìm trong sắc đỏ. Chiều ngược lại, SHS giao dịch có phần tích cực khi tăng hơn 1,7%. Việc SHS tăng giá được cho là một phần là nhờ vào những tin đồn liên quan đến kết quả kinh doanh quý II/2024.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,06 điểm (0,56%) lên 1.276,85 điểm. Toàn sàn có 242 mã tăng, 161 mã giảm và 80 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,63 điểm (0,26%) lên 241,43 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 71 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (0,33%) lên 97,9 điểm.
Khối ngoại bán ròng cổ phiếu VRE thu về hơn 414 tỷ đồng. |
Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 589,5 triệu cổ phiếu (tăng khoảng hơn 11% so với phiên trước), tương ứng giá trị giao dịch ở mức 15.577 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2.261 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.105 tỷ đồng và 1.063 tỷ đồng.