Cần thực thi nhiều chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024
Dự báo 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024
Chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2024 diễn ra cuối tuần trước, các chuyên gia của VEPR đánh giá, nửa đầu năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam phục hồi khá, quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, dự báo quý II/2024 đạt 6% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,8%. Tuy nhiên, tốc độ vẫn chậm và thấp hơn khoảng 1% so với mức tăng trưởng tiềm năng trước đại dịch Covid-19.
Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2024 dù vẫn khó khăn, nhưng được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước nhờ các yếu tố hỗ trợ gồm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm, ngành dịch vụ và xuất khẩu tiếp tục phục hồi tích cực, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Dựa trên phân tích dữ liệu quá khứ và mô hình lập trình tài chính, VEPR dự báo 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2024. Cụ thể, theo kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP 2024 ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5%, VND bình quân năm mất giá ở mức 5-6%, giải ngân đầu tư công đạt mục tiêu đề ra, đầu tư nước ngoài không có biến động bất thường trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, kịch bản này đạt được với một số giả định đạt mục tiêu cán cân thanh toán thặng dư tối thiểu 21 tỷ USD, đầu tư khu vực tư nhân tăng 12% so với năm 2023 và tiêu dùng khu vực tư nhân tăng 4,2% so với năm 2023.
Theo kịch bản điều chỉnh chính sách, tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,01% với điều kiện có chính sách giảm chênh lệch lãi suất VND trong nước và các ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế, giảm chênh lệch lãi suất huy động giữa VND và USD, tăng cấu phần xuất khẩu ròng đạt mức 24 tỷ USD, tăng trưởng đầu tư công và tư tốt hơn nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kiểm soát tốt lạm phát ở mức 5%.
Thực thi nhiều chính sách để đạt mục tiêu 6 – 6,5%
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 – 6,5% năm 2024, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm công cụ tài chính của chính sách tài khóa thúc đẩy tổng cầu; tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. “Do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2024, cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng”, bà Thu khuyến nghị.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia VPER, cần đảm bảo hài hòa, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp nói riêng, thúc đẩy tiêu dùng và phục hồi tăng trưởng nói chung. Thúc đẩy đa dạng hóa các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các kênh dẫn vốn khác gắn với tín dụng xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cho thuê tài chính…
Trong trung và dài hạn, cần hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của kinh tế số, như công nghệ phần mềm, kinh doanh nền tảng, thương mại điện tử, để tạo ra động lực đổi mới sáng tạo.
Về các giải pháp kích thích đầu tư, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu lưu ý, cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tập trung tháo gỡ các khó khăn trên thị trường bất động sản, gói tín dụng nhà ở xã hội và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, như các giao dịch dân sự, thủ tục đầu tư, phòng cháy chữa cháy…; cải thiện môi trường kinh doanh…