1. Home
  2. Thời sự
  3. Công bố báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

Công bố báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam

Theo phân tích của báo cáo, để phát thải đạt đỉnh vào năm 2030 và trung hòa khí hậu vào năm 2050 thì cần phải có thêm 56.000 MW điện tái tạo (17.000 MW điện gió trên bờ và 39.000 MW điện mặt trời) vào năm 2030.

Hôm nay, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến Phát thải ròng bằng không (EOR-NZ) do Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Việt Nam), Cục Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Đại sứ quán Đan Mạch hợp tác biên soạn, đã được công bố tại Hà Nội.

Lễ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến Phát thải ròng bằng không (EOR-NZ)

Thông điệp của báo cáo rất rõ ràng: lựa chọn tốt nhất và hiệu quả nhất về chi phí nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững của Việt Nam là mở rộng quy mô điện mặt trời và điện gió, cũng như điện hóa ngành giao thông vận tải và công nghiệp.

Đặc biệt, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể về cách Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050 và đảm bảo đạt đỉnh phát thải CO2 vào năm 2030.

5 kịch bản được Báo cáo đưa ra về sản lượng điện. (BSL – Kịch bản cơ sở; NZ – Kịch bản Phát thải ròng bằng không; NZ+ – Kịch bản Phát thải ròng bằng không+; GG – Kịch bản Tăng trưởng xanh và GT – Kịch bản Giao thông xanh

Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây dẫn đến tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon gia tăng đáng kể. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, để  đảm bảo phát triển bền vững Việt Nam cần phải tách biệt tăng trưởng kinh tế với tiêu thụ năng lượng, đồng thời xây dựng một hệ thống năng lượng xanh và bền vững hơn thông qua đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Theo phân tích của báo cáo, để phát thải đạt đỉnh vào năm 2030 và trung hòa khí hậu vào năm 2050 thì cần phải có thêm 56.000 MW điện tái tạo (17.000 MW điện gió trên bờ và 39.000 MW điện mặt trời) vào năm 2030.

Tính hết năm 2023, thủy điện và nhiệt điện than đạt công suất tương ứng là 22.800 MW và 26.700 MW. Cũng đã có 16.500 MW điện mặt trời các loại và 5.100 MW MW điện gió trên bờ được lắp đặt trên khắp cả nước.

Bất kỳ sự chậm trễ nào trong quá trình chuyển đổi sẽ gây ra các chi phí tốn kém không cần thiết do những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu. Việc tích hợp một lượng lớn các nguồn điện biến đổi vào lưới điện đòi hỏi các hành động kiên quyết.

Báo cáo cũng cho thấy, trong thời gian tới, các nhà máy điện than của Việt Nam cần trở nên linh hoạt hơn để khi cần có thể giảm công suất của các nguồn điện than nhằm ưu tiên cho các nguồn điện xanh phát lên lưới, đồng thời vẫn đảm bảo 3 nguồn dự phòng cần thiết cho đến khi các giải pháp lưu trữ và các giải pháp khác có thể được triển khai.

Để thực hiện tham vọng xây dựng 84.000 MW năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2050, Việt Nam cần có cam kết mạnh mẽ và hành động sớm. Đặc biệt, việc sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và có thể dự đoán được đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các khoản đầu tư lớn vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

Theo đó, báo cáo khuyến nghị rằng Việt Nam nên bắt tay ngay vào việc xác định các địa điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cảng và củng cố hệ thống lưới điện truyền tải.

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar