- Home
- Doanh nghiệp - Thương hiệu
- Giá xuất khẩu clinker Việt Nam dưới giá thành sản xuất 100.000 – 200.000 đồng/tấn
Giá xuất khẩu clinker Việt Nam dưới giá thành sản xuất 100.000 – 200.000 đồng/tấn
Giá xuất khẩu clinker Việt Nam hiện dưới giá thành sản xuất 100.000 – 200.000 đồng/tấn |
Xuất khẩu clinker và xi măng 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ảm đạm khi giá xuất khẩu đã thấp hơn cả giá thành sản xuất.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê, toàn ngành xi măng xuất khẩu 15,86 triệu tấn, trị giá 620 triệu USD, sản lượng bằng cùng kỳ năm trước nhưng do giá xuất khẩu thấp nên ngoại tệ thu về giảm 10,8%.
Như vậy, đà giảm xuất khẩu cả về sản lượng lẫn giá đã kéo dài từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với tiêu thụ nội địa thấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh doanh với doanh nghiệp sản xuất.
Cụ thể, năm 2019 – 2022, trị giá xuất khẩu xi măng, clinker trung bình khoảng 1 – 1,3 tỷ USD/năm. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, ngoại tệ thu từ xuất khẩu xi măng, clinker còn rất thấp, nguyên nhân chính là giá xuất khẩu giảm mạnh.
Nếu giá FOB đối với clinker năm 2022 trung bình 46 – 48 USD/tấn, xi măng 51 – 53 USD/tấn (tùy thuộc quy cách đóng bao và mác xi măng), thì giá trung bình trong tháng 5/2024 chỉ còn 31 – 32 USD/tấn (bằng 67% so với 2022); giá xuất khẩu trung bình của xi măng còn 38 – 48 USD/tấn (bằng 85% so với 2022), xi măng rời 36 – 37 USD/tấn.
“Giá xuất khẩu clinker Việt Nam hiện nay dưới giá thành sản xuất 100.000 – 200.000 đồng/tấn, trong khi giá xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu vực thấp nên các doanh nghiệp xi măng trong nước không thể cạnh tranh”, Bộ Xây dựng cho biết.
Nguyên nhân phần nhiều là do thuế xuất khẩu clinker của Việt Nam tăng gấp đôi, từ 5% lên 10%, từ 1/1/2023 làm cho giá clinker kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế so với các nước cùng xuất khẩu như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản.
Đáng nói, một trong các thị trường xuất khẩu clinker truyền thống là Philippines đã áp thuế chống bán phá giá với clinker và xi măng nhập từ Việt Nam trong 5 năm từ tháng 3/2023, càng làm khó khăn cho xuất khẩu.
Để giải bài toán tài chính cho ngành, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng và Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế để đảm bảo tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu, đồng thời phù hợp với Hiệp định CPTPP về không đánh thuế xuất khẩu hàng hóa.
Cụ thể, cần áp dụng ngay việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng clinker xi măng từ 10% về 0% vì đây là loại sản phẩm chế biến sâu.
Bên cạnh đó, sửa quy định trong Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng sản phẩm clinker được hoàn thuế GTGT. Hai điều chỉnh nêu trên, theo Bộ Xây dựng, sẽ giúp clinker Việt Nam có giá cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, giúp tiêu thụ nhanh sản phẩm, giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp xi măng.
Bộ Xây dựng cho rằng, thuế giá trị gia tăng với clinker xuất khẩu còn nhiều bất cập, clinker hiện đang áp thuế GTGT 10% khi tiêu thụ trong nước và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương tự như sản phẩm xi măng. Tuy nhiên, clinker xuất khẩu lại không phải là đối tượng hàng hóa chịu thuế GTGT, do đó không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, và như vậy làm ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu clinker.
Với việc thuế xuất khẩu clinker tăng lên 10% và không được khấu trừ thuế GTGT 10%, dẫn đến giá clinker Việt Nam mất lợi thế đến 20% so với giá clinker của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, hệ quả là doanh nghiệp không xuất khẩu được.