1. Home
  2. Thời sự
  3. Kinh tế tăng trưởng, vẫn lo nguy cơ tụt hậu
Phạm Nguyễn 7 tháng trước

Kinh tế tăng trưởng, vẫn lo nguy cơ tụt hậu

Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025) đã đi qua hơn nửa chặng đường, song nhiều chỉ tiêu không đạt. Nỗi lo “nguy cơ tụt hậu rất lớn” hoàn toàn có cơ sở.

Quốc hội khóa XV ngay tuần đầu tiên của Kỳ họp thứ bảy đã có một phiên thảo luận tổ đầy tâm tư về tình hình kinh tế, xã hội.

Có những lời nói thẳng ngay lập tức nổi bật trên mặt báo, thu hút sự quan tâm của cử tri, trong đó có đúc kết của người đứng đầu ngành

Kế hoạch và Đầu tư: “Người ta như vũ bão, còn ta cái gì cũng xin – cho, cứ đá lên, đá xuống rồi vòng qua, vòng lại rất là lâu, thì nhà đầu tư người ta đi nước khác”.

Nhận xét này thực ra không mới, nhưng vẫn mang tính thời sự và chứa đựng sự sốt ruột cao hơn, khi tính chung 3 năm (2021 – 2023), GDP chỉ đạt mức 5,2 – 5,22%, trong khi kế hoạch 5 năm, theo Nghị quyết của Quốc hội phải là 6,5 – 7%. Vậy hai năm còn lại (2024 – 2025) sẽ phải phấn đấu, phải đột phá như thế nào, là trăn trở của không ít đại biểu Quốc hội. Nhất là, hàng loạt con số liên quan chất lượng tăng trưởng không những không tiến bộ, mà còn thụt lùi một cách đáng báo động. 

Chẳng hạn, TFP (Năng suất các nhân tố tổng hợp) nhiệm kỳ này chỉ tăng 3,65% – theo so sánh của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thì “chỉ bằng một phần ba tăng năng suất lao động của giai đoạn trước dịch Covid -19”. Rồi, công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,62%, thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp – lực lượng tạo ra GDP, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo công ăn việc làm – gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Doanh nghiệp là chủ thể cực kỳ quan trọng. Nếu khu vực này không phát triển, không tăng trưởng, thì chúng ta có thể đảm bảo được đột phá trong tăng trưởng, tăng trưởng có bền vững được không?”, một vị đại biểu là Ủy viên Bộ Chính trị nhìn nhận.

Các động lực tăng trưởng cũ chưa được làm mới, vậy những động lực tăng trưởng mới thì sao?

Lấy ví dụ từ vấn đề khá hấp dẫn mới đây là công nghiệp bán dẫn, vẫn vị đại biểu – Ủy viên Bộ Chính trị nêu, các nước Thái Lan, Malaysia… đều phê duyệt chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn và đầu tư nhiều tỷ USD vào ngành này. Còn Việt Nam bố trí nguồn lực cho công nghiệp bán dẫn là bao nhiêu thì “chưa được nghe nói”. Nếu chưa có đồng nào (như nội dung hồi âm ngay lúc đó từ người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư), thì mất lợi thế, trong khi Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển ngành này.

Còn nhiều, nhiều nữa những ví dụ cho thấy nỗi lo “nguy cơ tụt hậu rất lớn” của một số vị đại biểu là hoàn toàn có cơ sở.

“Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay vẫn còn nguyên giá trị ở chỗ là chủ trương rất đúng, đề xuất rất hay, nhưng tổ chức thực hiện rất khó khăn. Cho đến nay vẫn chưa tháo gỡ được bao nhiêu khó khăn, vướng mắc”, vị đại biểu là Ủy viên Bộ Chính trị nhìn nhận.

Nói thẳng, nhìn thẳng vào khó khăn, để thấy có những lĩnh vực, bước đi của Việt Nam đã rất chậm. Nhưng quan trọng hơn là cần làm gì để bước đi nhanh hơn, vững chắc hơn.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ làm việc không có ngày nghỉ và tất cả cuộc họp đều đã chạm tới các vấn đề cốt lõi của nền kinh tế. Không có một khó khăn nào không được đặt lên bàn nghị sự của Chính phủ và Quốc hội luôn đồng hành để tháo gỡ cho bằng hết những khó khăn được cơ quan hành pháp đề xuất.

Thế nhưng, vẫn còn đó những rào cản đối với sự phát triển: là niềm tin của thị trường, là tâm lý của xã hội và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức. Muốn gỡ được rào cản đó, thì cải cách thể chế không chỉ tập trung giải quyết các ách tắc, vướng mắc hiện tại, mà còn phải tạo được điều kiện để cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Riêng Kỳ họp thứ bảy này, Quốc hội dự kiến thông qua 10 luật và cho ý kiến tới 11 luật, tức là những nỗ lực để hoàn thiện thể chế đang được tiếp nối. Thế nhưng, để chính sách đi vào cuộc sống, thì khâu tổ chức thực hiện không thể cứ mãi là điệp khúc buồn.

Muốn thế, những phiên thảo luận, chất vấn của Quốc hội có lẽ vẫn cần tiếp tục đổi mới. Cử tri muốn được thấy những người đại diện cho mình ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất không chỉ đánh giá đúng rào cản đối với nền kinh tế, mà còn góp phần tháo gỡ một cách hiệu quả những rào cản đó, để nguy cơ tụt hậu không còn là nỗi lo đè nặng.

1 lượt xem | 0 bình luận

Avatar