1. Home
  2. Doanh nghiệp - Thương hiệu
  3. MiniBao – “mỏ vàng” mới của KIDO
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

MiniBao – “mỏ vàng” mới của KIDO

Sau thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) khá hời với thương hiệu bánh bao Thọ Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (KIDO) bắt đầu lộ trình gây dựng để khai thác “mỏ vàng” mới.

Cửa hàng miniBao khá hút khách nhờ biển hiệu nổi bật, nhiều loại bánh bao phong phú
Cửa hàng miniBao khá hút khách nhờ biển hiệu nổi bật, nhiều loại bánh bao phong phú.

Mục tiêu 12.000 cửa hàng miniBao

Thời gian gần đây, từ các thành phố và thị trấn nhỏ ở một số tỉnh phía Bắc, cho đến các con hẻm ở đô thị khu vực miền Trung, xuất hiện các cửa hàng bánh bao màu sắc rực đỏ, trang trí bắt mắt, tấp nập người mua. Đó là chuỗi cửa hàng miniBao của KIDO, được mở rộng nhanh chóng theo mô hình kinh tế chia sẻ và đang trở thành xu hướng kinh doanh mới được các hộ gia đình lựa chọn.

Rất nhiều hộ kinh doanh chuyển hướng sang mở cửa hàng bánh bao mini này chia sẻ, họ kiếm được thu nhập khá tốt, dù vốn đầu tư không lớn. Có những hộ kinh doanh kiếm được vài chục triệu đồng, thậm chí trăm triệu đồng mỗi tháng. Những cửa hàng như vậy thường được đặt ở vị trí thuận lợi như gần trường học, khu chợ trong thành phố, hay các con phố có nhiều dân văn phòng.

Cửa hàng thu hút rất nhiều người nhờ biển hiệu “miniBao” vô cùng nổi bật. Đặc biệt, những chiếc bánh bao này có nhiều màu sắc, nhiều loại nhân phong phú, như đậu đỏ, sô-cô-la, sầu riêng… Tiện lợi, giá rẻ và đa dạng chủng loại, những tiệm bánh như vậy nhanh chóng chinh phục được lượng lớn khách hàng.

Với miniBAO, Tập đoàn sẽ áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ. Điểm khác biệt so với nhượng quyền là KIDO sẽ kinh doanh cùng đối tác.

– Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị KIDO

“Tôi đã mua bánh ở cửa hàng với giá chỉ hơn 10.000 đồng, hương vị nào cũng ngon và đáng giá, rất tiện cho bữa ăn nhanh của các con tôi”, chị Nguyễn Tuyết Mai, phố Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ.

Thực tế, các cửa hàng này nhận được sự quan tâm rộng rãi một phần nhờ “làn sóng” các bài viết cho thấy, đây là một công việc kinh doanh sinh lời tốt. Điều này dẫn đến sự gia tăng số người muốn đầu tư hoặc mở cửa hàng miniBao.

Xu hướng mở cửa hàng miniBao càng nở rộ sau thương vụ M&A của KIDO và Thọ Phát. Giám đốc điều hành KIDO, ông Trần Lệ Nguyên tham vọng xây dựng Thọ Phát và Mỹ Hương trở thành thương hiệu đi đầu, đại diện cho ngành đồ hấp. Ông muốn đưa thương hiệu bánh bao Thọ Phát trở thành “bếp ăn quốc dân” của người Việt và mở rộng xuất khẩu sang ít nhất 30 nước trên thế giới.

Trước mắt, chiến lược của KIDO là mở rộng thị trường ra miền Trung và miền Bắc, xây dựng hệ thống 1.000 đại lý tại 63 tỉnh, thành phố; phát triển 50.000 điểm bán trên cả nước. Đặc biệt, KIDO sẽ đầu tư mạnh để phát triển hệ thống miniBao với 12.000 cửa hàng bán đồ hấp, nướng.

Ông Mai Xuân Trầm, Phó tổng giám đốc KIDO cho hay, Tập đoàn đã phân tích kỹ thị trường để triển khai, xác định phát triển các cửa hàng này theo mô hình kinh tế chia sẻ và rất tự tin với mô hình này. Trước đây, khi kinh doanh bánh trung thu, chỉ trong vòng 2 tháng, Công ty đã mở được 12.000 điểm bán. Do vậy, với cửa hàng miniBao, Ban Điều hành KIDO cũng yêu cầu con số không thấp hơn 12.000 cửa hàng.

Ông Trầm tiết lộ, trong thời gian 45 ngày, KIDO đã mở được 150 cửa hàng miniBao và tất cả đều đang có lãi. Ông tin, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu mở 500 cửa hàng trong năm 2024, thậm chí đạt sớm hơn dự kiến. Sau đó, KIDO sẽ đánh giá lại, có những điều chỉnh và thay đổi để hướng đến phát triển lớn hơn.

“Mô hình này là mục tiêu chiến lược, là xương sống của chúng tôi trong tương lai”, ông Trầm khẳng định.

Đề cập kế hoạch kinh doanh, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị KIDO cho biết, dù 6 tháng đầu năm vẫn khó khăn, nhưng thị trường đang có những diễn biến tích cực, nên KIDO mạnh dạn đặt mục tiêu cao. Tập đoàn kỳ vọng, đội ngũ nỗ lực để khôi phục lại quy mô truyền thống vốn có và ngành hàng mới được tái cấu trúc lại. Chuỗi miniBao nếu vận hành tốt 12.000 cửa hàng, thì có thể mang về doanh số khoảng 20.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị KIDO, hầu hết thương hiệu mở rộng hiện nay chọn hình thức nhượng quyền, nhưng với miniBao, Tập đoàn sẽ áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ. Điểm khác biệt so với nhượng quyền là KIDO sẽ kinh doanh cùng đối tác. Các khó khăn thì KIDO sẽ đảm nhận, còn điều thuận lợi thì đối tác sẽ thực hiện.

Với ngành hàng bánh nói chung, KIDO tập trung vào 2 nhóm, là bánh tươi và bánh có thời gian sử dụng dài.

Với bánh tươi có thời gian sử dụng ngắn, Tập đoàn tập trung mở rộng phân khúc giá, phân khúc sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng nhận biết thương hiệu và hình ảnh tại điểm bán, tích hợp hệ thống phân phối KIDO và Thọ Phát, triển khai mô hình quản lý theo khu vực, tập trung tối ưu chi phí vận hành ngành hàng.

Với bánh có thời gian sử dụng dài, KIDO tiếp tục tìm kiếm những dòng sản phẩm ngon của thế giới, phân phối thông qua thương hiệu KIDO, tập trung vào chiến lược làm ra những sản phẩm ngon, khẩu vị khác biệt, mức giá tối ưu.

Đại diện KIDO cho biết thêm, với hạng mục kinh doanh mới là bánh bao, Công ty thấy đây là mảng tiềm năng vì có mức sinh lời cao (40 – 50% trên tổng doanh thu). Chỉ mới bắt đầu kinh doanh từ cuối năm 2015, nhưng bánh bao cũng đã đem đến lợi nhuận cho KIDO, dù mức lãi còn khiêm tốn.

Chia sẻ lý do lấn sân sang kinh doanh bánh bao, ông Trần Lệ Nguyên cho biết, KIDO đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm, đồng thời, mảng này thuộc kênh đông lạnh, không “chạm” tới mảng bánh kẹo mà Công ty đã kinh doanh trước đây. Bên cạnh đó, mảng kinh doanh này còn mới, mức độ cạnh tranh thấp, trên thị trường chủ yếu là nhóm các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, nên tiềm năng phát triển cao.

Sự gia tăng số lượng các cửa hàng miniBao phần lớn là do tình hình kinh tế hiện tại và sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Thị trường ngày càng nhạy cảm với giá cả, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn trong chi tiêu và có xu hướng tiết kiệm hơn.

“Các cửa hàng bán bánh bao phù hợp với xu hướng vì người tiêu dùng Việt Nam sẽ ngày càng tính toán và thực tế hơn trong cách chi tiêu”, một chuyên gia ngành F&B cho hay.

Tuy nhiên, có thể thấy, dù đạt được nhiều thành công bước đầu, mô hình kinh doanh của các cửa hàng miniBao cũng có nhiều thách thức. Chi phí sản xuất thấp và tỷ suất lợi nhuận cao có vẻ hứa hẹn, nhưng việc duy trì lợi nhuận trong dài hạn vẫn chưa chắc chắn.

Các chuyên gia phân phối, bán lẻ bày tỏ lo ngại về mô hình kinh doanh này khi số liệu thống kê chỉ ra rằng, có rất nhiều người đang lao vào kinh doanh bánh bao. Theo đó, hiệu suất và lợi nhuận của cửa hàng có thể thay đổi đáng kể tùy theo vị trí. Các chuyên gia cho rằng, để tăng khả năng giữ chân khách hàng, nguyên liệu và sự đa dạng mùi vị sản phẩm liên tục phải thay đổi.

Ngành kem hết thời “gà đẻ trứng vàng”?

Trong chiến lược nửa cuối năm 2024, KIDO đặt mục tiêu phát triển các thương hiệu hàng đầu như top 1 ngành kem tại Việt Nam với 46,7% thị phần, top 1 ngành bơ tại Việt Nam, top 1 ngành bánh bao và bánh hấp đông lạnh, top 2 ngành dầu, sản phẩm bánh KIDO’s Bakery được người tiêu dùng cả nước đón nhận rộng rãi

Kem là món ăn ngày càng phổ biến trên khắp thế giới và ngành công nghiệp kem đang tăng trưởng trên toàn cầu. Theo Fortune Business Insights, quy mô thị trường kem có thể tăng từ 74 tỷ USD (năm 2022) lên 105 tỷ USD vào năm 2029. Tuy nhiên, đằng sau những ly kem ngon lành, mát lạnh là những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững (từ biến đổi khí hậu, đến điều kiện lao động trong ngành sản xuất kem), khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng phải suy ngẫm.

Báo cáo thường niên 2023 của KIDO cho thấy, doanh nghiệp vẫn khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành hàng bơ và kem tại thị trường Việt Nam. Doanh thu của KIDO trong năm qua không đạt được mục tiêu do một số yếu tố tác động, bao gồm biến động giá nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Cụ thể, năm 2023, KIDO ghi nhận doanh thu thuần 8.650 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 1.536 tỷ đồng, giảm lần lượt 31,18% và 32% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 31/12/2023, tài sản cố định của Tập đoàn đạt 2.587 tỷ đồng, tỷ lệ tổng nợ trên tổng tài sản giảm 14%, tổng vốn chủ sở hữu năm 2023 đạt 7.114 tỷ đồng, tăng 61,2 tỷ đồng so với năm 2022.

Đặc biệt, lợi nhận trước thuế chỉ đạt 323 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2020, giảm 37% so với năm 2022, hoàn thành 35,9% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 135 tỷ đồng, ghi nhận mức sụt giảm mạnh do việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của yếu tố chuyển lỗ giai đoạn 2015 – 2018 đã hoàn tất phân bổ trước đó.

Trên cơ sở những tín hiệu tốt của thị trường, KIDO mạnh dạn đặt mục tiêu năm 2024 đạt 13.000 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận gấp 2,5 lần năm trước, đạt 800 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nửa đầu năm 2023, KIDO đã “âm thầm” chia tách và bán phần lớn vốn tại mảng hàng lạnh (kem, sữa chua…). Cụ thể, cuối tháng 4/2023, KIDO chuyển nhượng hơn 17,8 triệu cổ phần KDF của Công ty KidoFoods (KDF), giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 73% xuống còn 49% vốn. Theo đó, KidoFoods hiện không còn là công ty con của Tập đoàn.

Động thái này gây chú ý, bởi ngành hàng lạnh nhiều năm liên tiếp được xem là “gà đẻ trứng vàng” của KIDO, đồng thời cũng là ngành dẫn dắt tăng trưởng toàn Tập đoàn.

Được biết, việc chuyển nhượng cổ phần KidoFoods còn nằm trong chiến lược chung của KIDO đề ra từ đầu năm 2023. KIDO dự kiến tách bạch các mảng để kêu gọi nhà đầu tư chiến lược. Mục đích của Tập đoàn là muốn nhanh chóng đưa sản phẩm và thương hiệu “xuất ngoại”, thông qua bắt tay với đối tác ngoại.

Giờ đây, KIDO đang tập trung vào “mỏ vàng” mới – bánh bao.

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar