Ngành dệt may: Người hồi phục, kẻ cầm cự
Đơn hàng trở lại
Kết quả kinh doanh tháng 4 của CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) mang đến nhiều hy vọng. Theo đó, doanh thu tháng 4/2024 của doanh nghiệp này đạt gần 12 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt trên 907.000 USD, tăng trưởng tới 399%.
Khác với tình hình ảm đạm của năm ngoái, xuất khẩu dệt may năm nay có nhiều khởi sắc. Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 4 tháng đầu năm 2024 tăng 6,3% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu đến hết hết quý III và đang đàm phán đơn hàng cho quý IV.
Theo Ban lãnh đạo Thành Công, đến nay, Công ty nhận được khoảng 88% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II/2024 và khoảng 83% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý III/2024. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức đầu tháng 4, Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 khoảng 3.707 tỷ đồng, tăng 12% so với kết quả thực hiện năm 2023; lợi nhuận sau thuế là 161,2 tỷ đồng, tăng 21%. Sau 1/3 chặng đường của năm, Công ty đã hoàn thành lần lượt 33% mục tiêu doanh thu và một nửa mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Điểm sáng tăng trưởng cũng xuất hiện ở một số đơn vị dệt may khác ngay trong quý đầu năm. Trong nhóm có mức doanh thu trên ngàn tỷ đồng, Tổng công ty May 10 hồi phục ấn tượng nhất, với doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng lần lượt 25% và 29%.
Với Công ty cổ phần May Sông Hồng, doanh thu quý đầu năm cũng tăng gần 21%, lên 770 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế quý I đạt 62 tỷ đồng.
Năm 2024, đơn hàng đã quay trở lại, nhưng mặt bằng giá vẫn còn thấp. Dù tỷ suất lợi nhuận gộp đang cải thiện, nhưng ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng nhận định, thời điểm bình phục phải vào năm 2025.
“Kế hoạch năm 2024 của May Sông Hồng được xây dựng tương đối an toàn. Thị trường thế giới còn khá biến động. Các nhà mua hàng tại Mỹ và châu Âu vẫn đối mặt nhiều khó khăn, gây sức ép lên giá. Một số thương hiệu như Express, Nike, Adidas… đang phải tái cấu trúc sau giai đoạn khó khăn”, ông Quang cho hay.
Chưa thoát cảnh loay hoay cầm cự
Thực tế, tín hiệu phục hồi của ngành dệt may xuất hiện từ quý IV/2023. Nhiều chuyên gia đã sớm thấy quá trình xử lý hàng tồn kho tại Mỹ đang dần kết thúc, đi cùng hy vọng chu kỳ bổ sung hàng tồn kho trở lại. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể vẫn có sự phân hóa.
Tổng công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex, mã HSM) và Dệt may Huế (HDM) đều giảm doanh thu khoảng 20%. Hanosimex nối dài chuỗi thua lỗ sang quý thứ 8 liên tiếp. Khoản lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 31/3/2024 đã tăng lên 136 tỷ đồng, “ăn mòn” 66% quy mô vốn điều lệ. Công ty vẫn đang non tải vì thiếu đơn hàng.
Tình hình của Garmex Sài Gòn – doanh nghiệp dệt may với tuổi đời gần 50 năm còn đáng lo hơn. Bên cạnh khoản lỗ lũy kế đã tăng lên 72 tỷ đồng, khá cao so với vốn điều lệ 330 tỷ đồng, Garmex Sài Gòn gặp vấn đề lớn khi gần như “trắng” doanh thu. Cả quý I vừa qua, Công ty chỉ đạt vỏn vẹn 130 triệu đồng doanh thu và tiếp tục lỗ ròng 11,7 tỷ đồng.
Garmex Sài Gòn đang tạm ngưng sản xuất may trang phục và tủ vải do chưa nhận được đơn hàng. Trước đó, hàng ngàn nhân sự của Công ty đã phải nghỉ việc, nên quy mô lao động từ gần 3.800 người cuối năm 2021, xuống còn vỏn vẹn 35 người cuối năm 2023. Garmex Sài Gòn phải xoay xở tiền bằng cách thanh lý, chuyển nhượng tài sản như máy móc, thiết bị hư hỏng, máy giặt, máy sấy công nghiệp…
Giữa tháng 4 vừa qua, Công ty quyết định chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và toàn bộ tài sản gắn liền với đất trên diện tích 2,6 ha của Garmex Quảng Nam, với giá khởi điểm 156 tỷ đồng. Đầu năm nay, Công ty cũng cho biết, muốn chuyển nhượng thửa đất tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với diện tích 50.173 m2 (hơn 5 ha) và thửa đất 26.000 m2 (2,6 ha) tại cụm Công nghiệp Hà Lam – Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Năm 2024, Garmex Sài Gòn đặt kế hoạch doanh thu 50,5 tỷ đồng và 156 tỷ đồng thu nhập khác. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế dự kiến là 40 tỷ đồng. Xoay xở để có nguồn thu, Garmex Sài Gòn đã bổ sung vào giấy đăng ký kinh doanh ngành mới là bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, bán buôn đồ dùng gia đình, kho bãi, vận tải…
Với CTCP Sản xuất – Kinh doanh – Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex), quyết định giảm nhu cầu dự kiến của đối tác Amazon Robotics LLC (Mỹ) hồi giữa năm 2022 gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho doanh nghiệp này. Gilimex đã đầu tư hạ tầng sản xuất, nhưng bất ngờ rơi vào tình trạng dư thừa công suất. Dù thiếu hụt lớn đơn hàng, song Gilimex có thêm nguồn thu từ việc lấn sân sang mảng bất động sản khu công nghiệp từ vài năm trước.
Ngành may đem lại giá trị xuất khẩu cao (năm 2023 đạt 40,3 tỷ USD, năm 2024 phấn đấu đạt 44 tỷ USD). Tuy nhiên, với sự khó khăn về đơn hàng cùng các điều kiện về xanh hóa ngành may, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp xác định phải nghiên cứu đầu tư các ngành mới theo xu thế để phát triển trong trung và dài hạn.