1. Home
  2. Doanh nghiệp - Thương hiệu
  3. Nhập khẩu hàng hóa tân trang theo EVFTA và UKVFTA phải đáp ứng nhiều quy định
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

Nhập khẩu hàng hóa tân trang theo EVFTA và UKVFTA phải đáp ứng nhiều quy định

Nghị định 66/2024/NĐ-CP nêu rõ, hàng hóa tân trang nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện: Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện là hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và UKVFTA do cơ quan cấp phép cấp theo quy định.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA.
Nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và UKVFTA phải đáp ứng nhiều quy định.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 66/2024/NĐ-CP về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Nghị định về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len ( UKVFTA).

Theo đó, Nghị định ban hành 7 Danh mục hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA thuộc phạm vi quản lý của: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hàng hóa tân trang nhập khẩu theo Nghị định 66/2024/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện sau: Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện là hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và UKVFTA do cơ quan cấp phép cấp theo quy định tại Nghị định này. Đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định EVFTA và UKVFTA.

Ngoài ra, theo quy định, khi đưa ra lưu thông trên thị trường, trên nhãn gốc hoặc nhãn phụ của hàng hóa tân trang phải thể hiện bằng tiếng Việt cụm từ “Hàng hóa tân trang” ở vị trí và với kích cỡ có thể nhìn thấy và đọc được bằng mắt thường.

Nghị định cũng yêu cầu việc quản lý hàng hóa tân trang theo EVFTA và UKVFTA phải bảo đảm nguyên tắc:

Áp dụng quy định pháp luật về quản lý ngoại thương, thương mại, pháp luật chuyên ngành, pháp luật thuế, hải quan, pháp luật khác đối với hàng hóa tân trang đáp ứng điều kiện quy định như áp dụng với hàng hóa mới cùng loại nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo Nghị định, thương nhân nhập khẩu hàng hóa tân trang có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam như đang được áp dụng đối với hàng nhập khẩu mới cùng loại, trong đó, tùy theo trường hợp cụ thể, có các quy định về chính sách nhập khẩu, chính sách mặt hàng, chính sách thuế, hải quan, nhãn hàng hóa; điều kiện kinh doanh; chất lượng sản phẩm; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hiệu suất năng lượng; an toàn bức xạ; an toàn thông tin mạng; đo lường; bảo vệ môi trường; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quy định khác.

Đồng thời, thương nhân nhập khẩu hàng hóa tân trang phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ và tài liệu xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền. Tổ chức làm việc và cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan cấp phép và các cơ quan liên quan khi cơ quan tiến hành kiểm tra việc thực thi quy định tại Nghị định này.

Trước ngày 30/1 hàng năm, thương nhân nhập khẩu hàng hóa tân trang phải báo cáo cơ quan cấp phép và Bộ Công thương bằng văn bản theo phương thức gửi trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) về tình hình nhập khẩu hàng hóa tân trang theo EVFTA và UKVFTA của năm trước đó.

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 8/2020, là FTA đầu tiên giữa Việt Nam và EU, được ví như con đường cao tốc quan trọng kết nối trực tiếp nền kinh tế Việt Nam với 27 nước EU. Còn Hiệp định UKVFTA có hiệu lực tạm thời từ 1/1/2021 và chính thức từ 1/5/2021.

Xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam – EU từ khi thực thi 2 FTA này đã nhanh chóng tăng tốc.  

Tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước trong khu vực Liên minh châu Âu trong năm 2023 đạt 72,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 34,3 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa sang Vương quốc Anh trong năm 2023 vẫn tăng trưởng gần 5%, đạt 6,34 tỷ USD, bất chấp tác động không thuận của kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao.

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar