1. Home
  2. Doanh nghiệp - Thương hiệu
  3. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải cầu cứu
Phạm Nguyễn 7 tháng trước

Nhiều doanh nghiệp vẫn phải cầu cứu

Mong muốn thực sự của doanh nghiệp vẫn chưa hiện diện nhiều trong hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp vẫn phải cầu cứu…

Còn khá nhiều gánh nặng, bao gồm cả rủi ro thị trường cùng áp lực tâm lý e ngại sợ sai đang tác động tiêu cực tới doanh nghiệp, dù Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiều lần gửi kiến nghị lên các cơ quan quản lý và xây dựng chính sách. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Lời cầu cứu mòn mỏi của doanh nghiệp thép không gỉ

Một bức thư cầu cứu đã được các doanh nghiệp thép không gỉ gửi đến Quốc hội ngay trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Trong thư gửi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, các doanh nghiệp viết: “Gần 2 năm các nhà sản xuất thép không gỉ trong nước đã phải dừng hoạt động do không thể nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất”.

Khúc mắc trong việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật 20:2019/BKHCN về thép không gỉ (QCVN 20:2019) kéo dài suốt từ khi được ban hành vào năm 2019, những tưởng đã có thể giải quyết dứt điểm sau 2 lần phải lùi thời điểm có hiệu lực.

Các doanh nghiệp cho biết, ngày 29/11/2023, họ nhận được Công văn 4473/BKHCN-TĐC của Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến về dự thảo Thông tư ngưng hiệu lực thi hành quy chuẩn này, với thời gian áp dụng dự kiến là từ ngày 1/3/2024; cùng với đó là thông tin về việc xây dựng tiêu chuẩn thép không gỉ có hàm lượng niken thấp, mangan cao… Bộ Khoa học và Công nghệ lý giải việc này là để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thép không gỉ.

Tuy nhiên, trong thư gửi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 13/5, với 41 con dấu và chữ ký của đại diện các doanh nghiệp thép không gỉ trên cả nước, thông tin được đưa ra là họ chưa nhận được thông tin phản hồi nào từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tạm ngưng hiệu lực của QCVN 20:2019, dù đã gửi văn bản và trực tiếp đặt câu hỏi trong cuộc làm việc đầu tháng 5/2024.

“Không hiểu vì lý do gì mà Bộ Khoa học và Công nghệ trì hoãn không ra văn bản kể trên”, các doanh nghiệp đặt vấn đề trong thư gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Điều này đồng nghĩa với việc nguyên liệu sản xuất thép không gỉ không đảm bảo QCVN 20:2019 không được nhập khẩu.

Đây không phải lần đầu các doanh nghiệp thép không gỉ kiến nghị bãi bỏ, thay thế quy định này.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hơn một lần gửi văn bản đề nghị hủy bỏ QCVN 20:2019, đưa thép không gỉ ra khỏi Danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ Khoa học và Công nghệ…, với lý do là chưa phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và quy chuẩn này đang hạn chế quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng, gây bất lợi cho hàng hóa trong nước được sản xuất từ thép không gỉ so với hàng hóa cùng loại nhập khẩu.

Còn nhiều vướng mắc

Trong kiến nghị gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các doanh nghiệp thép không gỉ đặt vấn đề rằng, chỉ cần Bộ Khoa học và Công nghệ ra thông tư ngưng hiệu lực của QCVN 20:2019, thì sẽ cứu giúp được rất nhiều doanh nghiệp và người lao động. Việc này rất cần và có thể làm ngay trong bối cảnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang nghiên cứu, nỗ lực tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đó vẫn là mong muốn của doanh nghiệp. Còn thực tại, 41 doanh nghiệp đồng thuận báo cáo rằng: “Thiệt hại cho các nhà sản xuất thép không gỉ, các làng nghề cơ khí trên cả nước trong hơn một năm qua là vô cùng lớn. Người lao động có tay nghề hoặc mất việc làm hoặc buộc phải chuyển đổi sang công việc khác do thu nhập thấp – lên đến con số hàng trăm nghìn người”.

Mong mỏi như trên không phải hiếm gặp trong cộng đồng kinh doanh. Ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên gia Ban Pháp chế, VCCI cho biết, năm 2023, cơ quan này đã tiến hành lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, bất cập, chồng chéo trong các văn bản pháp luật về kinh doanh. 94 bất cập, vướng mắc liên quan đến các quy định từ cấp luật đến nghị định, thông tư đã được gửi về.

Tuy nhiên, các vướng mắc này rất ít được phản ánh trong các đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành. “Điều này cho thấy, dường như hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đang chưa phản ánh được mong muốn thực sự của doanh nghiệp”, ông Đức chia sẻ thông tin.

Ngay trong Công văn số 97/TCTCCTTHC của Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính ngày 12/11/2023 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025, 688 quy định kinh doanh được điểm danh vì đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa, nhưng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi; việc tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp còn chậm trễ.

Đây là lý do mà cho đến giờ, sau nhiều năm, các tồn tại lớn, tác động đến nhiều doanh nghiệp, như các quy định về quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm…, hay các điều kiện kinh doanh bất cập, vướng mắc như lắp camera trên xe ô tô từ 9 chỗ trở lên; các yêu cầu liên quan đến yêu cầu gửi email tới sở giao thông – vận tải từng hợp đồng của vận tải hành khách ô tô theo hình thức hợp đồng; các điều kiện kinh doanh trong hoạt động sản xuất – kinh doanh vàng, trang sức, mỹ nghệ…. vẫn đang có mặt trong các kiến nghị của VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp gửi tới Chính phủ, Quốc hội.

Ưu tiên giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Quá nhiều gánh nặng, bao gồm cả rủi ro thị trường, gánh nặng chi phí, điều kiện kinh doanh và cả áp lực tâm lý e ngại sợ sai… khiến các doanh nghiệp, chủ yếu là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chọn phương án tạm dừng, chờ thời. Thậm chí, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp để thấy doanh nghiệp còn quá khó.

“Ngân hàng Nhà nước đã cho phép kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN về giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn, nhưng cũng thể hiện rằng, thời kỳ khó khăn vẫn còn có thể kéo dài. Doanh nghiệp sẽ không có nhu cầu sử dụng vốn hoặc không thể, không đủ điều kiện tiếp cận vốn. Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp phải là ưu tiên chính sách trong bối cảnh hiện tại. Những gì có thể cắt giảm được phải thực hiện ngay”, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ quan điểm.

Cũng phải nói thêm, trong báo cáo về kết quả xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 gửi tới Chính phủ, Quốc hội, VCCI cũng nhắc tới kết quả khảo sát cho thấy, mức độ bình đẳng trong môi trường kinh doanh có dấu hiệu giảm sút.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết, chính quyền địa phương ưu tiên giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 là 61,3%, gia tăng từ con số 58,8% năm 2022 và 52,6% năm 2021. Bên cạnh đó, có khoảng 56,5% doanh nghiệp cho biết, chính quyền cấp tỉnh ưu tiên doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Rất có thể, 41 doanh nghiệp thép không gỉ cũng đang cảm thấy điều tương tự khi phải viết trong thư gửi cơ quan của Quốc hội rằng, “tình trạng không ra văn bản, không trả lời đối thoại doanh nghiệp… sẽ tiếp tục đến bao giờ? Chúng tôi mong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết đơn thư của doanh nghiệp”.

Đặc biệt, các doanh nghiệp chia sẻ, đang rất cần biết các quyết định của cơ quan quản lý để có cơ sở chuẩn bị cho tương lai của mình.

Chỉ duy trì thủ tục thật sự cần thiết, chi phí tuân thủ thấp nhất

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nghiêm việc cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động chính sách cụ thể đối với quy định thủ tục hành chính, thực hiện tốt việc tham vấn, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các thủ tục hành chính được quy định đúng thẩm quyền, cần thiết, hợp lý, khả thi, thực hiện trên môi trường điện tử và chi phí tuân thủ thấp nhất.

Các bộ, ngành khẩn trương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực được giao, nhất là thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhà ở xã hội, tín dụng, tài nguyên khoáng sản… và các giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024 gửi Văn phòng Chính phủ chậm nhất trong tháng 5/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xem xét báo cáo Quốc hội sửa đổi các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt là các thủ tục hành chính để thực hiện các biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar