1. Home
  2. Thời sự
  3. Quảng Ninh: Nhận diện, bảo tồn giá trị di sản để TP. Uông Bí phát triển bền vững
Phạm Nguyễn 5 tháng trước

Quảng Ninh: Nhận diện, bảo tồn giá trị di sản để TP. Uông Bí phát triển bền vững

Ngày 6/7, Hội thảo khoa học với chủ đề “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững thành phố Uông Bí” đã được diễn ra tại TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Hội thảo do UBND TP. Uông Bí phối hợp với Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cùng Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND TP. Uông Bí khẳng định: Hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch bền vững của thành phố Uông Bí; góp phần xây dựng Uông Bí trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước; phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.

Ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND TP. Uông Bí phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn
Ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND TP. Uông Bí phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia chia sẻ, xác định di sản văn hóa là tài sản quý giá, là cầu nối giữa sinh hoạt văn hóa với cộng đồng dân cư, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền. Những năm qua, thành phố Uông Bí đã tập trung đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hướng tới phát triển kinh tế du lịch. Công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị các di tích được thực hiện đúng theo Luật Di sản văn hóa. Nhiều di tích được khôi phục, trùng tu tôn tạo.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu nhận định Uông Bí là địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể nhiều tiềm năng như: hệ thống các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt, di tích cấp tỉnh và những lễ hội truyền thống mang đặc trưng tín ngưỡng vùng miền, Uông Bí được biết đến như trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Quảng Ninh. Hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở địa phương đã hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng. Uông Bí là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, gắn liền với văn hóa Phật giáo Trúc Lâm, chiến thắng Bạch Đằng năm 938, hay những câu chuyện về doanh nhân đầu tiên của nước Việt – cụ Bạch Thái Bưởi.

Về di sản văn hóa vật thể, thành phố Uông Bí hiện có 31 di tích nằm trong danh mục của tỉnh, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 22 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Các di tích này đều gắn với những lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân bản địa nơi đây. Về di sản văn hoá phi vật thể, hiện trên địa bàn thành phố có 32 di sản văn hóa phi vật thể. Hàng năm, trên địa bàn thành phố Uông Bí diễn ra 7 lễ hội.

Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đặc biệt, Uông Bí có di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, một trong bốn “phúc địa” của Giao Châu xưa và từ hàng nghìn năm trước đã là một vùng giao thoa văn hóa sôi động. Thế kỷ XIII, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn Yên Tử để tu hành và sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm – thiền phái riêng của người Việt. Những giá trị lịch sử, văn hóa vô giá của Phật giáo Trúc Lâm đã và đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy gắn với hệ thống các di tích, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Yên Tử và trên khắp vùng đất Uông Bí, là điều kiện quan trọng để xây dựng Uông Bí là “thành phố di sản”, thành phố xanh, thông minh hiện đại.

Hơn 30 tham luận được trình bày tại hội thảo đã góp phần làm rõ các nội dung quan trọng: Giá trị lịch sử – văn hoá, khoa học ẩn chứa trong kho tàng di sản văn hoá đa dạng và phong phú của thành phố Uông Bí; thực trạng công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững của Uông Bí và đề xuất những giải pháp, mô hình phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn di sản góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá của địa phương, trong đó có ngành du lịch mang sắc thái đặc trưng của thành phố Uông Bí.

Đây là lần đầu tiên thành phố Uông Bí tổ chức Hội thảo khoa học nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững, lâu dài của thành phố. Từ những kiến nghị của các nhà khoa học, thành phố sẽ có các giải pháp để đầu tư, bảo tồn, giữ gìn di sản, truyền thống văn hóa lịch sử, hoạch đinh chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế du lịch; phát huy giá trị di sản để TP Uông Bí mang những giá trị rất riêng biệt.

Nhấn mạnh việc TP. Uông Bí được xác định là trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Xuân Phương, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh bày tỏ mong muốn: “Hội thảo sẽ có nhiều hơn nữa tư liệu, ý kiến quý báu chỉ ra thêm những kinh nghiệm tiếp cận những nhận thức mới về phát triển bền vững, nhận diện mới về giá trị di sản văn hóa, con người Uông Bí hiện tại đồng thời đặt trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Để từ đó có giải pháp thực tế, hiệu quả để chuyển hóa các giá trị này thực sự trở thành nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đồng thời, tổ chức nhiều sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh đặc sắc, góp phần mở rộng không gian du lịch; tạo sản phẩm du lịch thu hút nhân dân và du khách đến với Uông Bí cả 4 mùa trong năm”.

Ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn
Ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh đang tích cực, nỗ lực cùng với tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Giang khẩn trương hoàn thiện và chuẩn bị các điều kiện, nội dung tốt nhất để phục vụ việc đón đoàn chuyên gia quốc tế ICOMOS sang thẩm định thực địa hồ sơ đề cử Quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.

Thành phố Uông Bí được xác định là trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Quảng Ninh, có vị trí, vị thế và vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh và khu vực. Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 500 nghìn lượt khách quốc tế. Du lịch Uông Bí đang từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế là một trong những trung tâm du lịch lớn của tỉnh.

Tại hội thảo, ông Mai Vũ Tuấn, Bí thư Thành ủy Uông Bí cho biết, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hiện nay của thành phố đó là khẩn trương xây dựng kế tổ chức đón tiếp Đoàn chuyên gia của ICOMOS về thẩm định, đánh giá Quần thể di tích danh thắng Yên Tử vào đầu tháng 8 tới đây, làm tiền đề quan trọng cho việc công nhận Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới trong thời gian tới.

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar