1. Home
  2. Đời sống
  3. Quy định 3 chế độ quản lý ‘dao có tính sát thương cao’
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

Quy định 3 chế độ quản lý ‘dao có tính sát thương cao’

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua luật. Ảnh: QUANG PHÚC

Sáng 29-6, tại phiên họp Quốc hội, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với 94,44% tổng số ĐB. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 8 chương, 75 điều, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2025.

Luật nêu rõ dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, được quy định là vũ khí thô sơ nếu sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ.

Trường hợp dao có tính sát thương cao sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, được quy định là vũ khí quân dụng.

Về nguyên tắc, Luật quy định trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải đúng thẩm quyền, đối tượng và bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, theo luật, phải bảo đảm đúng quy định, hạn chế thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe con người, tài sản và môi trường.

Luật cũng nêu rõ việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh, trang bị, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc người có thẩm quyền cho phép, bảo đảm quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường.

Luật vừa được Quốc hội thông qua quy định 16 hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó có hành vi lợi dụng, lạm dụng việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe con người, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống vi phạm pháp luật liên quan vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân, cũng bị nghiêm cấm.

Luật cũng cấm chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố trái phép phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Người có thẩm quyền ra mệnh lệnh hoặc quyết định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh, quyết định của mình theo quy định.

Trước khi Quốc hội thông qua Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới đã báo cáo giải trình, tiếp thu Luật.

ĐB TPHCM biểu quyết thông qua Luật. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Tới cho biết, nhiều ý kiến nhất trí quy định dao có tính sát thương cao thuộc nhóm vũ khí thô sơ làm căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng dao để gây án, nhưng đề nghị quy định bảo đảm phù hợp hơn và không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân.

Trên cơ sở giải thích từ ngữ “dao có tính sát thương cao”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định 3 chế độ quản lý “dao có tính sát thương cao” gắn với mục đích sử dụng.

Một là trường hợp sử dụng “dao có tính sát thương cao” phục vụ mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không coi là vũ khí, nhưng phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ sử dụng “dao có tính sát thương cao” vào mục đích vi phạm pháp luật

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ quy định tại khoản 2, điều 32 dự thảo Luật Chính phủ trình và bổ sung điều 74 về “Áp dụng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đối với dao có tính sát thương cao” và giao Chính phủ quy định việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, vận chuyển “dao có tính sát thương cao”.

Thứ hai, trường hợp sử dụng “dao có tính sát thương cao” với mục đích thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ, thì quy định là vũ khí thô sơ.

Thứ ba, trường hợp sử dụng “dao có tính sát thương cao” với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, thì quy định là vũ khí quân dụng.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý để phù hợp với từng loại vũ khí. Như vậy, chỉ trong trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao với mục đích phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ mới được coi là vũ khí thô sơ; sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, được coi là vũ khí quân dụng.

ANH PHƯƠNG

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar