- Home
- Công nghệ
- Thạc sĩ Võ Văn Thịnh “Tìm giải pháp phát triển bềnh vững cho năng xuất cây cà phê tại huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng.
Thạc sĩ Võ Văn Thịnh “Tìm giải pháp phát triển bềnh vững cho năng xuất cây cà phê tại huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng.
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực, đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích đạt khoảng 160 ngàn ha. Trong đó cà phê vối chiếm 88%, cà phê chè chiếm khoảng 11%, còn lại là cà phê mít chiếm 11%. Diện tích cà phê chủ yếu tập trung ở các huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, Bảo Lộc, TP Đà Lạt.
Di Linh là vùng sản xuất chuyên canh cà phê đứng đầu tỉnh Lâm Đồng. Sản lượng cà phê trên mang lại doanh thu hơn 5.100 tỷ đồng trong khu vực nông nghiệp của địa phương. Những năm gần đây giá cả cà phê có khi xuống thấp nhưng nông dân Di Linh đã có những giải pháp để giải quyết các yếu tố đầu vào, nâng cao kỹ thuật hướng đến phát triển cây cà phê bền vững, xây dựng vùng chuyên canh cà phê năng suất, chất lượng.
Thạc sĩ Võ Văn Thịnh.
Vùng chuyên canh cây cà phê lâu đời.
Phong trào trồng cây cà phê ở huyện Di Linh bắt đầu từ năm 1984 nhưng phải đến giai đoạn từ năm 1994 – 2005, khi giá cà phê tăng lên 30.000 – 40.000đ/kg ký nhân thì tốc độ trồng cà phê ở Di Linh tăng như vũ bão. Nếu như năm 1996 diện tích cà phê của huyện đạt 23.000 ha thì đến năm 2005, con số này đã lên đến gần 40.000 ha. Những năm gần đây, tuy sản phẩm cà phê có gặp nhiều khó khăn nhưng diện tích cà phê trồng mới vẫn tiếp tục được mở rộng. Số liệu mới nhất tính đến tháng 3/2018, tổng diện tích cây cà phê trong toàn huyện là 41.718 ha chiếm gần 66 % đất nông nghiệp. Trong đó diện tích cà phê kinh doanh là 39.850 ha đạt sản lượng trên 123.000 tấn cà phê nhân, đem lại giá trị sản xuất 5.100 tỷ chiếm 81% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Di Linh hiện có diện tích và sản lượng cà phê Robus lớn của tỉnh Lâm Đồng trong đó tập trung tại thị trấn Di Linh, xã Tân Châu, Tân Nghĩa, Đinh Lạc, Gung ré.
Để phát triển cây cà phê, những năm gần đây huyện Di Linh đã có nhiều chủ trương và giải pháp khuyến khích phát triển cây cà phê, như giải quyết tốt công tác định canh định cư, lập vườn hộ, tổ chức gieo ươm cây giống rồi đem cung cấp tận nơi cho bà con dân tộc vùng sâu vùng xa trồng mới. Mặt khác, tập trung đội ngũ cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con nông dân trồng và thâm canh.
Bài học kinh nghiệm từ Di Linh.
Diện tích trồng cà phê trên địa bàn huyện có xu hướng tăng hằng năm nên diện tích và sản lượng thu hoạch cũng có xu hướng tăng. Năm 2015, sản lượng thu hoạch 109.119 tấn với năng suất cà phê bình quân trên địa bàn huyện là 2,71 tấn/ha thì đến năm 2019 là 135.881 tấn với năng suất 3,15 tấn/ha. Kết quả đó có được khi các nông hộ đã quan tâm đến đầu tư thâm canh, khâu chọn giống được chú ý và kỹ thuật được nâng cao.
Qua kết quả khảo sát tại các vùng cà phê ở Di Linh cho thấy, các hộ nông dân trồng cà phê đã nhận thức được tác động của khâu giống đến kết quả sản xuất kinh doanh nên các hộ đã quan tâm đến chọn lọc giống và địa chỉ cung cấp giống. Hơn 70% số hộ đã chọn lọc giống cà phê và trên 71% số hộ được khảo sát mua giống tại các trung tâm giống có uy tín. Các giống cà phê được nông dân lựa chọn là những loại được đánh giá phù hợp với điều kiện tự nhiên và cho năng suất cao. Đây là một trong những yếu tố làm cho chất lượng năng suất sản phẩm cà phê trồng tại huyện Di Linh được cải thiện và được thị trường tin tưởng.
Bên cạnh đó phân bón cũng là yếu tố quan trọng mà người trồng cà phê cần chú ý. Việc sử dụng phân bón lá từ 1-2 lần trong năm và chủ yếu dùng các loại phân có hàm lượng các chất vi lượng cao đã thể hiện trình độ thâm canh cao của các hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện Di Linh. Ngoài ra phân hữu cơ được sử dụng phổ biến với lượng bón từ 15-30 m³/ha, chu kỳ 3-4 năm bón một lần, phân vi sinh hữu cơ, phân hữu cơ sinh học, phân sinh hóa hữu cơ, vỏ cà phê ủ hoại cũng được sử dụng phổ biến trong các nông hộ trồng cà phê. Vỏ quả cà phê là một nguồn hữu cơ khá lớn tại các vùng chuyên canh cà phê, các nông hộ trồng cà phê cũng đã dần ý thức được việc phải trả lại phụ phẩm này cho vườn cà phê. Phân hóa học là một phần đầu tư bắt buộc trong sản xuất cà phê. Số liệu điều tra cho thấy, chủ yếu diện tích cà phê được các nông hộ bón phân NPK hỗn hợp hoặc bón kết hợp phân hỗn hợp với phân đơn, rất ít hộ sử dụng phân đơn để bón cho cà phê, tỷ lệ NPK nhìn chung được cải thiện theo chiều hướng gia tăng tuy nhiên so với tiêu chuẩn, nhận thấy các nông hộ đã lạm dụng phân bón để bón cho cà phê. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đất và chất lượng cà phê lâu dài.
Sử dụng nước tưới và cây che bóng trong sản xuất cà phê cũng là những vấn đề được người trồng cà phê ở vùng Di Linh chú trọng. Nguồn nước được người trồng cà phê sử dụng từ ao hồ chiếm 19%, giếng khoan đào chiếm 11% và chủ yếu từ suối và hồ thủy điện chiếm trên 70%. Đây là một lợi thế của hộ sản xuất vì tận dụng được nguồn nước từ suối và hồ thủy điện sẽ tiết kiệm được chi phí trong khâu tưới nước. Cây che bóng là một biện pháp kỹ thuật quan trọng trong sản xuất cà phê vì đây không phải là cây ưa sáng, bên cạnh đó các cây che bóng góp phần hạn chế bốc hơi nước bề mặt để tiết kiệm chi phí tưới nước. Điện tích xen canh cà phê với cây lâm nghiệp, cây công nghiệp và một số sản phẩm nông nghiệp khác có xu hướng tăng với tốc độ phát triển bình quân là 107,82%. So với trồng cà phê thuần loài thì trồng xen canh đem lại lợi nhuận trên 1ha cao hơn, đặc biệt mô hình cà phê sầu riêng. Nếu như cà phê thuần cho thu lợi nhuận gần 48 triệu đồng/ha/năm thì cà phê xen sầu riêng cho thu trên 236 triệu đồng/ha/năm. Mặc dù trồng xen các loài cây khác trên vườn cà phê nhưng năng suất trung bình cà phê vẫn ở mức khá cao (trung bình 3tấn/ha). Như vậy việc trồng xen không ảnh hưởng đến năng suất cà phê.
Định hướng phát triển cho cà phê Di Linh
Cây cà phê đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Di Linh. Do đó lựa chọn đẩy mạnh tay tái canh cà phê là bước đi mang tính thực tiễn cao trên vùng sản xuất chuyên canh đứng đầu tỉnh Lâm Đồng. Theo UBND huyện Di Linh, sau gần ba năm thực hiện, việc tái canh cà phê đã vượt 19,1% chỉ tiêu đặt ra. Tương đương với 7.900 ha so với nghị quyết, nâng diện tích đã tái canh lên 23.012,5 ha, đạt 51,6 % tổng diện tích cà phê của huyện.
Trước khi tiến hành tái canh, cải tạo giống cà phê, năng suất bình quân đối với cây cà phê Di Linh chỉ từ 22- 25 tạ/ha. Còn hiện giờ đã đạt 31,5 tạ/ha và dự kiến sau năm 2020 sẽ đạt 35 tạ/ha (vượt so với nghị quyết đảng bộ huyện là 32 tạ/ha).
Không chỉ dừng lại ở tái canh cà phê, Di Linh còn thực hiện trồng xen và đa dạng hóa cơ cấu cây trồng để tránh lệ thuộc vào cà phê, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Qua đó, nhiều diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp được người dân chuyển đổi sang trồng xen một số cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ ghép, hồ tiêu, mắc ca, dâu tằm.., từng bước đã khẳng định hiệu quả rõ rệt.
Bên cạnh đó huyện Di Linh còn có nhiều giải pháp nhằm huy động nguồn vốn trong dân để đầu tư nâng cao năng suất cà phê. Đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp vào những khâu mà hộ nông dân thực hiện không có hiệu quả hoặc không đủ điều kiện tham gia như chế biến và tiêu thụ. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và có biện pháp áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn cà phê bền vững đến với người dân. Từ các hộ nông dân riêng lẻ, manh mún, các hộ có trang trại cà phê liên kết hình thành các nhóm hộ, các câu lạc bộ và các hợp tác xã chuyên ngành cà phê giúp nông dân chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa sản xuất, tiếp cận và tham gia thị trường.
Thạc sĩ: Võ Văn Thịnh.