1. Home
  2. Thời sự
  3. Thứ trưởng Trần Quốc Phương làm rõ bức tranh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

Thứ trưởng Trần Quốc Phương làm rõ bức tranh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024

Bên lề Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ về bức tranh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, về những mảng màu sáng – tối của nền kinh tế.

Thưa Thứ trưởng, tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm 2024 là rất tích cực, tương ứng đạt 6,93% và 6,42%. Đây là những con số rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, tại sao trong bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp gặp khó như vậy, mà tăng trưởng lại cao. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?  

Tôi cho rằng, số liệu thống kê công bố là đáng tin cậy, định kỳ hằng tháng, hằng quý, hằng năm, Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội được thu thập, tính toán theo các phương pháp khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật về thống kê, bảo đảm khách quan, trung thực.

Tăng trưởng GDP của quý II và 6 tháng đầu năm 2024 như đã nêu là một kết quả rất tích cực, đáng ghi nhận và đây cũng là điều mà tất cả chúng ta đều mong đợi trong suốt 6 tháng qua. Có nhiều lý do, nhiều căn cứ để chúng ta có thể khẳng định, vì sao tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng lại cao như vậy. Có thể thấy, các động lực tăng trưởng chủ đạo, cả ở phía cung và phía cầu, đều có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tăng trưởng cao.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Ví dụ như lĩnh vực công nghiệp, với vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế, đã đạt kết quả tốt. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đã tăng 8,55% trong quý II, tính chung 6 tháng tăng 7,54%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo quý II tăng 10,04%, tính chung 6 tháng tăng 8,67%. Nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, xuất khẩu (như Samsung) đã phục hồi tăng trưởng, tác động tích cực đến tăng trưởng chung của toàn ngành cũng như nền kinh tế.  

Xuất nhập khẩu cũng vậy, dù gặp phải một số khó khăn về chi phí vận tải, nhất là vận tải biển do gặp phải trở ngại ở khu vực Biển Đỏ, nhưng đơn hàng đã có mức tăng trưởng trở lại, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 6 tháng tăng lần lượt 15,7%, 14,5% và 17%; ước xuất siêu 11,63 tỷ USD…

Khu vực dịch vụ tăng trưởng rất tích cực, đạt tốc độ tăng trưởng 6,64% trong 6 tháng qua. Trong khu vực này, du lịch phát triển ấn tượng, khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đã đạt trên 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4%, vượt mục tiêu cả năm đã đề ra.

Nông nghiệp đã vượt ngưỡng vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, tăng trưởng khá, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng chung của cả nước. Sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông lâm thủy sản rất tốt, 6 tháng đã đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Xuất khẩu gạo của chúng ta cũng đang có nhiều lợi thế, vừa tăng trưởng xuất khẩu nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực…

Ngoài ra, vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng tích cực, nhất là vốn đầu tư nước ngoài; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cũng tăng khá, nhiều địa phương đã nỗ lực và quyết tâm, có cách làm hay, sáng tạo để đạt tốc độ tăng trưởng cao, nên đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế…

Đó là những lý do vì sao, chúng ta có được tốc độ tăng trưởng cao trong quý II và 6 tháng. Mặc dù được so sánh với một nền tăng trưởng thấp của quý II năm ngoái nhưng đó mới chỉ là một phần của nguyên nhân, qua đánh giá, nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Nếu không có sự phục hồi này thì chúng ta không thể đạt kết quả tích cực như vậy.

Nhưng thưa Thứ trưởng, rõ ràng là nền kinh tế vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn…

Khi nhìn vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế, bên cạnh những màu sáng là chủ đạo thì vẫn có những mảng xám nhất định. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cũng đã phân tích cụ thể 10 điểm sáng và 5 điểm khó khăn, thách thức.

Ví dụ như lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, báo cáo cũng đã phân tích thực trạng nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm tiếp tục phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê. Các doanh nghiệp này khó khăn vì hai lẽ, chi phí mặt bằng tăng lên và phải cạnh tranh mạnh mẽ khi thương mại điện tử đang phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, chưa tăng trưởng như mong đợi. Sức cầu phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, như bối cảnh thị trường, chỉ số lạm phát, dòng tiền và cả vấn đề tâm lý của người tiêu dùng. Người dân trên thế giới nói chung và trong nước nói riêng đang có xu hướng tiết giảm chi tiêu, tăng tích trữ để đề phòng cho những rủi ro ở phía trước. Nhưng đây là xu thế của toàn cầu chứ không chỉ ở Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến động lực sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Vấn đề này cũng liên quan đến việc số lượng doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường vẫn ở mức cao, dù vẫn thấp hơn số lượng doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường (6 tháng, có 119.600 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường – 110.300 doanh nghiệp – PV).

Ngoài ra thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân vướng mắc về thủ tục dự án, nguồn cung tăng trưởng thấp, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính…

Điều này lý giải vì sao vẫn có những ý kiến chưa thực sự tin tưởng vào số liệu thống kê khi họ đang đứng ở vị trí của các mảng xám. Do vậy, cần có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn đối với kết quả tăng trưởng GDP của nền kinh tế quý II và 6 tháng năm 2024.

Thưa Thứ trưởng, như vậy có thể hiểu rằng, triển vọng tăng trưởng 6 tháng còn lại của năm là khả quan, và năm nay, tăng trưởng có thể đạt mục tiêu 6,5% đề ra?

Tôi cho rằng, nếu duy trì được đà tăng trưởng này, chúng ta không chỉ đạt, mà còn có thể vượt mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã đề ra. Báo cáo Chính phủ hôm nay, chúng tôi đã dự báo 2 kịch bản tăng trưởng. Theo đó, với kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Để đạt được con số này, tăng trưởng quý III chỉ cần đạt 6,5%, và quý IV là 6,6%, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7% và 7,0%).

Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 7%. Theo đó thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV phải đại 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm.

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Đưa ra 2 kịch bản song chúng tôi kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao 7%. Chúng tôi kiến nghị lựa chọn kịch bản này và phấn đấu đạt mức cao 7% dựa trên nhiều yếu tố. Chẳng hạn, xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước phục hồi nhanh hơn, đầu tư nước ngoài duy trì được đà tăng trưởng tích cực; khả năng duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, du lịch và tiêu dùng có thể tăng trưởng nhanh hơn, chúng ta phấn đấu đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế. Sắp tới, các chính sách, quy định pháp luật mới chuẩn bị ban hành và có hiệu lực, cũng sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế.

Hơn nữa, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương… cũng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc.

Cơ hội là rất lớn, xu hướng là tích cực, nhưng thưa Thứ trưởng, không thể chủ quan. Để đạt mức tăng trưởng 7%, thậm chí là cao hơn, chúng ta cần tập trung thực hiện những giải pháp nào?

Đúng là nền kinh tế đang phục hồi tích cực, nhưng khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn rất lớn. Những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến kinh tế – xã hội Việt Nam.

Các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cả sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu, tiêu dùng nội địa… đều như vậy. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, tất cả các lĩnh vực này đều có nhiều dư địa để tăng trưởng. Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta cần tập trung cải thiện, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh để tạo đột phá cho tăng trưởng cả năm.

Ở đây, tôi muốn nói đến chuyện giải ngân đầu tư công, cũng là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. 6 tháng, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 196.700 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ là 30,49%). Như vậy là giải ngân vốn đầu tư công đã thấp hơn so với cùng kỳ năm trước cả về số tuyệt đối và tương đối.

Nhưng điều này là dễ hiểu, bởi tổng mức đầu tư công năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái, chỉ khoảng 600.000 tỷ đồng so với mức hơn 710.000 tỷ đồng của năm ngoái. Năm ngoái, chúng ta có một phần vốn lớn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội. Tổng vốn đầu tư thấp, nên số vốn giải ngân tuyệt đối sẽ dần dần thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Về con số giải ngân tương đối, hiện đã bắt đầu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và chủ yếu là do giải ngân phần vốn ngân sách địa phương đạt thấp. Thị trường bất động sản khó khăn khiến nguồn thu từ đất của các địa phương không đạt kế hoạch, và do đó, không có đủ nguồn lực để giải ngân cho các dự án.

Tuy vậy, việc tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái cũng là điều cần lưu ý. Chúng ta cần tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tôi cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, nhưng nếu chúng ta quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra, bao gồm giải ngân đầu tư công, thúc đẩy các động lực tăng trưởng xuất khẩu, tiêu dùng, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt khó, đồng thời tranh thủ từng thời cơ, thuận lợi…, chúng ta sẽ đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7%.

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar