1. Home
  2. Doanh nghiệp - Thương hiệu
  3. Triển khai Dự án Nâng tầm tri thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

Triển khai Dự án Nâng tầm tri thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Dự án được kỳ vọng sẽ nâng cao kỹ năng, trình độ quản trị cho các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới nền quản trị chuyên nghiệp, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế, hình thành lực lượng doanh nghiệp mạnh.

Các đại biểu thực hiện nghi thức triển khai Dự án đào tạo trực tuyến “Nâng tầm tri thức cho DNNVV Việt Nam”.

Chiều 11/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc triển khai Dự án đào tạo trực tuyến “Nâng tầm tri thức cho DNNVV Việt Nam”.

Dự án được thực hiện nhằm đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới và Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW.

Được triển khai trên nền tảng www.smelearning.vn, Dự án hướng tới nâng cao trình độ, tri thức cho cộng đồng DNNVV Việt Nam, qua đó giúp doanh nghiệp hoạt động bài bản, hiệu quả, bền vững. Nền tảng học tập trực tuyến sẽ tạo cơ hội cho các DNNVV có được môi trường học tập thuận tiện, từng bước hình thành môi trường “doanh nghiệp học tập” tại các DNNVV.

Dự án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn 2024 – 2035, hướng các mục tiêu: (1) Xây dựng khoảng 500 khoá học vào năm 2025 và khoảng 6.000 khoá học vào năm 2035; (2) Khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc được tiếp cận các khoá học miễn phí, chất lượng, theo đúng lộ trình và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp; (3) Hơn 6.000 người lao động của DNNVV (chủ doanh nghiệp, người quản lý, người lao động) tham gia và hưởng lợi từ các khoá đào tạo.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân thay mặt 2 đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam có hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 60% GDP của cả nước. Các doanh nghiệp là những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực DNNVV còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới luôn biến động, với độ mở cao của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi vừa phải ổn định sản xuất kinh doanh, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu mới của chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, việc ký kết hợp tác triển khai Dự án “Nâng tầm tri thức cho DNNVV Việt Nam” sẽ góp phần từng bước nâng cao kỹ năng, trình độ quản trị cho các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới nền quản trị chuyên nghiệp, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế, hình thành lực lượng doanh nghiệp mạnh đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam trình bày tổng quan về Dự án.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, để thiết kế được dự án này, Hiệp hội đã khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp hội viên một cách kỹ lưỡng, từ đó đưa ra các chương trình chi tiết, cụ thể để đáp ứng từng nhóm doanh nghiệp khác nhau.

Thông qua Dự án, các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ được đào tạo những kiến thức về thị trường và được kết nối trực tiếp với khách hàng tiềm năng, để từ đó giải quyết được nhu cầu nâng cấp năng lực nội tại cũng như khai thông được đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp.

Ông Thân cũng khẳng định, với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các DNNVV sẽ được tiếp cận nhanh chóng với các chính sách của nhà nước và có cơ hội tham gia góp ý chính sách ngay từ những bước đầu tiên của việc xây dựng.

Bên cạnh đó, Dự án sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp nguồn dữ liệu cập nhật kịp thời về diễn biến tình hình kinh tế thế giới và khu vực; cùng với đó sẽ dự báo về một số xu hướng trong ngắn, trung và dài hạn để doanh nghiệp có thể điều chỉnh mô hình và kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam kỳ vọng, thông qua dự án này, cộng đồng DNNVV Việt Nam sẽ thực sự “nâng tầm” và bắt kịp với tốc độ phát triển của đất nước, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa vào việc tạo dựng công ăn việc làm, thu ngân sách và nâng cao đời sống của người lao động.

Các khoá học được thiết kế theo 6 giai đoạn phát triển của doanh nghiệp gồm: (1) Ý tưởng kinh doanh; (2) Thành lập doanh nghiệp; (3) Vận hành doanh nghiệp; (4) Tăng trưởng; (5) Trưởng thành/Ổn định và (6) Niêm yết chứng khoán (IPO); theo nguyên lý “kiềng 3 chân” trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp: Bán hàng và Marketing – Vốn & Tài chính – Vận hành, Quản trị doanh nghiệp.

Ba trụ cột kiến thức cơ bản trên sẽ triển khai song song cùng các khóa đào tạo tăng cường kỹ năng, ý tưởng mới, kinh nghiệm, phổ cập chính sách, chuyển giao công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Dự kiến mỗi doanh nghiệp tham gia Dự án sẽ được cung cấp tài khoản miễn phí để học tập.

0 lượt xem | 0 bình luận

Avatar